Vì sao chưa khai thác được quỹ đất khi làm đường mới?

“Một công được đôi, ba việc”
Vì sao chưa khai thác được quỹ đất khi làm đường mới?

Cách nay hơn chục năm, từ lúc TPHCM bắt đầu chỉnh trang đô thị, nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và làm đường ven kênh, nhiều chuyên gia về kinh tế đô thị đã đề nghị nên mở rộng phạm vi giải tỏa rộng ra 2 bên, đưa quỹ đất này vào khai thác, tạo thêm nguồn vốn cho công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật của TP. Thế nhưng, từ đó đến nay ngoài tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM hầu như chẳng khai thác được gì. Xung quanh nội dung này, ông Hoàng Minh Trí, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

“Một công được đôi, ba việc”

- PHÓNG VIÊN: Theo ông, tại sao với những lợi ích rất rõ ràng của phương án vừa làm đường vừa khai thác quỹ đất dọc đường ở dự án đầu tư xây dựng đường Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM không tiếp tục triển khai và nhân rộng phương thức này ở tất cả các tuyến đường khác của TP?

Vì sao chưa khai thác được quỹ đất khi làm đường mới? ảnh 1

Ông Hoàng Minh Trí

>> Ông HOÀNG MINH TRÍ: Không những chỉ được lợi về mặt kinh tế, chỉnh trang đô thị mà phương án khai thác quỹ đất dọc hai bên đường của dự án đầu tư xây dựng đường còn giúp cho TP có cơ hội đầu tư bài bản, tập trung hệ thống hào kỹ thuật suốt dọc tuyến đường. Tôi muốn nói tới cơ hội về kinh phí và cả cơ hội về mặt bằng xây dựng hệ thống hào kỹ thuật đảm bảo đủ không gian cho hệ thống điện, cấp, thoát nước, cáp quang… hoạt động. Có được hệ thống hào kỹ thuật như vậy, khi cần các cơ quan kỹ thuật có thể sửa chữa, lắp đặt các thiết bị kỹ thuật một cách dễ dàng mà không phải đào đường. Biết là có lợi như thế nhưng muốn làm được như vậy phải có vốn ban đầu lớn. Đây lại là khó khăn không nhỏ của TP. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật của TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Đó là chưa kể còn có một khó khăn lớn hơn nữa: rất khó thuyết phục người dân di dời. Vận động người dân di dời để Nhà nước làm đường, phục vụ lợi ích công cộng còn phức tạp, huống chi vận động họ di dời để đưa đất vào khai thác kinh doanh.

- Nhưng lợi ích từ việc khai thác quỹ đất này cũng dùng đầu tư trở lại cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật của TP?

Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất để phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng. Do vậy, dù với lý do gì, người dân thấy nhà, đất của mình giải tỏa xong, được giao cho chủ đầu tư mới. Chủ đầu tư này xây trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, chung cư…, mà không phải là các công trình công cộng, là họ không đồng ý. Đây là vướng mắc chính về mặt luật pháp trong công tác khai thác quỹ đất hai bên đường mới được cải tạo, xây dựng mới. Không phải ngẫu nhiên, cứ sau xây, sửa mới một con đường là xung quanh đó hàng loạt nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” xuất hiện, gây bức xúc trong nhân dân. Câu chuyện này xảy ra không chỉ trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển đô thị ở TPHCM, mà còn ở Hà Nội và nhiều TP lớn khác trong cả nước.

Một khu đất trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ

Đợi điều chỉnh luật

- Đã phát hiện ra bất cập này, theo ông tại sao các cơ quan chuyên môn không có ý kiến điều chỉnh luật?

Các chuyên gia đã nhiều lần có ý kiến, nhiều cơ quan chuyên môn của TPHCM cũng đã đề cập đến vấn đề này tại nhiều cuộc họp của TP. Trong nhiều cuộc họp giữa TPHCM và các bộ ngành, Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành đã ghi nhận ý kiến phản ánh thực tế này của TPHCM, nhưng một văn bản chính thức có giá trị pháp lý thay thế hoặc điều chỉnh những bất cập trong luật thì chưa có, nên TPHCM vẫn phải đợi.

- Việc khai thác quỹ đất hai bên đường, tạo nguồn thu cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đã từng được áp dụng thành công ở nhiều nước trong khu vực. Là chuyên gia về đô thị, hẳn ông cũng đã nghiên cứu nhiều về những bài học này. Vậy theo ông, điều gì TPHCM có thể tham khảo, áp dụng, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP luôn “thiếu trước, hụt sau”?

Một trong những lý do TPHCM thành công trong việc khai thác quỹ đất hai bên đường khi xây dựng đường Nguyễn Hữu Thọ là tại thời điểm triển khai dự án, đất xung quanh đường Nguyễn Hữu Thọ chủ yếu là đất nông nghiệp và đất hoang hóa với dân cư thưa thớt. Công tác giải phóng mặt bằng vì thế tiến hành khá thuận lợi. Từ thực tế này cộng với kinh nghiệm trên thế giới, tôi cho rằng, TP nên tập trung phát triển các đô thị mới tại bốn hướng phát triển với đầy đủ các tiện ích ngang tầm với TP hiện hữu. Ở những khu vực mới này, việc khai thác quỹ đất sẽ thuận lợi và nguồn thu từ đây sẽ đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển của chính các khu đô thị này. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định 4 trung tâm cấp TP nhằm tạo động lực cho đầu tư và phát triển đô thị cho các hướng phát triển này, giảm áp lực quá tải về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho trung tâm hiện hữu của TP.

Cụ thể, phía Bắc có đô thị Tây - Bắc và một khu vực phụ rộng 50ha tại huyện Hóc Môn; phía Đông có cụm đô thị dọc xa lộ Hà Nội (tuyến metro số 1) và tại phường Long Trường (quận 9) giáp với trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; phía Tây có khu vực rộng khoảng 200ha giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh; phía Nam có khu A Khu đô thị Nam thành phố rộng 110ha và một khu vực phụ rộng 50ha tại huyện Nhà Bè. Điều này có nghĩa cơ sở pháp lý đã có, vấn đề là TPHCM phải quyết tâm triển khai thực hiện.

NGUYỄN KHOA - LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục