Vì sao bác sĩ Lương tiếp tục bị quy kết vô ý làm chết người?

Liên quan tới vụ án tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, Công an tỉnh Hòa Bình đã hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung lần 3 và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị truy tố 7 bị can trong vụ án này.

Theo đó, bị can Hoàng Công Lương (bác sĩ Đơn nguyên Thận nhân tạo, BV Hòa Bình) tiếp tục bị đề nghị truy tố về tội "Vô ý làm chết người". Cùng bị đề nghị truy tố tội danh như bác sĩ Lương, còn có bị can Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh).

Ngoài ra, 4 bị can khác cùng bị truy tố gồm: Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV Hòa Bình), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV Hòa Bình), Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư) và Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư) cùng bị đề nghị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đáng chú ý, điểm mới trong kết luận điều tra bổ sung lần này là Công an tỉnh Hòa Bình đã đề nghị truy tố thêm bị can Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo kết luận điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng, bác sĩ Lương là người có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh cho các bệnh nhân trong ca lọc thận làm 9 người tử vong. Hệ thống lọc nước RO2 sửa chữa ngày 28-5-2017 chưa lấy mẫu nước để xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI, chưa được nghiệm thu, chưa làm xong các thủ tục bàn giao cho đơn nguyên lọc máu. Tuy nhiên, khi nghe điều dưỡng thông báo Phòng vật tư đã bàn giao hệ thống lọc nước RO2, đồng hồ đo dẫn điện báo chỉ số an toàn, bác sĩ Lương đã ra y lệnh chạy máy lọc thận cho 18 bệnh nhân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 9 bệnh nhân tử vong.
Cơ quan Công an cũng kết luận, với trình độ được đào tạo, kiến thức, vai trò của một bác sĩ điều trị, bác sĩ Lương phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Hành vi đủ yếu tố cấu thành tội "Vô ý làm chết người" với lỗi vô ý cẩu thả.
Trước đó, Công an Hòa Bình đã khởi tố bác sĩ Lương tội thiếu trách nhiệm, sau khi tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì Công an Hòa Bình thay đổi tội danh khởi tố bác sĩ Lương. Sau đó thêm 2 lần Viện kiểm sát trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và Công an Hòa Bình vẫn giữ nguyên quan điểm bác sĩ Lương có tội "Vô ý làm chết người".
Vì sao bác sĩ Lương tiếp tục bị quy kết vô ý làm chết người? ảnh 1 Bác sĩ Hoàng Công  Lương tiếp tục bị đề nghị truy tố tội Vô ý làm chết người

Đối với bị can Đỗ Anh Tuấn, kết luận điều tra xác định bị can này chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và pháp luật về các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh của Công ty Thiên Sơn.

Trong thực hiện hợp đồng với BV Hoà Bình, ông Tuấn là người có trách nhiệm phải tổ chức thực hiện các điều khoản đã ký kết. Tuy nhiên, Tuấn không thực hiện mà tự thỏa thuận với Bùi Mạnh Quốc việc kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2. Bị can Tuấn cũng không thông báo thỏa thuận này với BV Hòa Bình. Thậm chí, giám đốc Công ty Thiên Sơn còn để cho Quốc tự thực hiện tất cả các khâu từ khảo sát, báo giá, mua các vật tư thay thế cho tới sử dụng hoá chất tiệt trùng... Do đó Tuấn không biết được Quốc mua và sử dụng các vật tư, hoá chất có đảm bảo chất lượng và an toàn sử dụng hay không. Tuấn cũng không biết Quốc tiến hành việc sửa chữa hệ thống RO2 như thế nào, có đảm bảo an toàn hay không.

Hành vi thiếu trách nhiệm của Tuấn dẫn đến việc Quốc tự ý sử dụng các hoá chất không được phép khi tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO2 và để tồn dư một lượng hoá chất gấp nhiều lần cho phép trong hệ thống lọc nước, dẫn đến hậu quả làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong.

Đối với bị can Trương Quý Dương khi là giám đốc BV Hòa Bình đã ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO2. Nhưng ngay trong ngày ký hợp đồng, ông Đỗ Anh Tuấn đã "bán cái" lại cho Công ty Trâm Anh để thực hiện sửa chữa hệ thống lọc nước này. Ngày 28-5-2017, Bùi Mạnh đến BV Hòa Bình sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 dùng để chạy thận nhưng để tồn dư hóa chất nguy hiểm trong hệ thống.
Ngày hôm sau 29-5-2018, bác sĩ Lương được giao phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, nghe điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước RO2 đã sửa chữa xong. Bác sĩ Lương đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. Hậu quả vụ việc đã làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong
Vụ tai biến chạy thận xảy ra tại BV Hòa Bình vào tháng 5-2017 là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố vụ án và lần lượt khởi tố các bị can, gồm: Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơ.
Sau khi hoàn tất việc điều tra, vào tháng 5 và 6-2018, vụ án đã được TAND TP Hòa Bình đưa ra xét xử với 3 bị cáo Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn về các tội danh: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vô ý làm chết người". Tuy nhiên sau gần 1 tháng xét xử, TAND TP Hòa Bình đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì còn nhiều tình tiết trong vụ án, cũng như một số cá nhân liên quan tới vụ án chưa được làm rõ.
Quá trình điều tra bổ sung vụ án, Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố thêm 4 bị can khác, gồm: Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng và  mới đây là  Đỗ Anh Tuấn.

Tin cùng chuyên mục