Vì an toàn giao thông đường sắt

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện có khoảng 6.000 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. 
 Xe lửa đi ngang quận Gò Vấp, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Xe lửa đi ngang quận Gò Vấp, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Trong đó, 1.500 điểm là đường ngang hợp pháp, gồm đường ngang có gác, đường ngang phòng vệ bằng cảnh báo tự động và đường ngang phòng vệ bằng biển báo. Còn lại, có tới 4.500 lối đi dân sinh - chủ yếu do người dân tự mở. Những lối đi này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 
Thống kê qua nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt trên cả nước thời gian qua cho thấy, đa số các vụ tai nạn giao thông đường sắt thường xảy ra tại các lối đi dân sinh tự mở và nguyên nhân gây ra tai nạn chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông khi qua các lối đi dân sinh này.
Những người này dường như không hiểu quy định: “Người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt”. Việc này đã được quy định tại Điều 41, Thông tư số 33/2012/TT-BGTVT, ngày 15-8-2012 của Bộ GTVT. Chưa kể, còn có thực tế khác, xe lửa khi gặp chướng ngại vật không thể thắng gấp và dừng bánh ngay được. Tùy vận tốc, xe lửa sẽ phải trượt thêm đoạn đường dài tương ứng trước khi dừng lại được.
Đối với tàu chở hành khách, người lái tàu còn phải cân nhắc thắng như thế nào để đảm bảo an toàn cho cả đoàn tàu. Việc thắng gấp có thể làm cả đoàn tàu gặp tai nạn. Chính vì vậy, để tránh tai nạn đường sắt, người tham gia giao thông đường bộ phải chủ động phòng tránh trước. Quan sát kỹ trước khi qua đường sắt và thấy xe lửa đang tới, tốt nhất là nhường cho xe lửa đi qua. 
Tại TPHCM, các lối đi dân sinh tự phát không nhiều. Hầu hết tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt đều có người trực gác và chuông cảnh báo. Theo quy định tại Điều 21, Thông tư 33/2012/TT-BGTVT, khi có báo hiệu dừng (hiệu lệnh của người gác chắn, cờ đỏ, biển đỏ, đèn đỏ, còi, chuông, chắn đã đóng), người và tất cả các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước báo hiệu dừng. Việc dừng xe chờ xe lửa đi qua có thể làm bạn mất hơn 10 phút; trong giờ cao điểm, có thể phải chờ thêm thời gian nữa mới đi được nhưng sự an toàn của bản thân và mọi người, chắc chắn sẽ quý hơn rất nhiều mấy chục phút chờ đó. Vì vậy, hãy chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông để không có sự hối tiếc. 

Tin cùng chuyên mục