Venezuela đối phó khủng hoảng


Từng là một trong những quốc gia giàu có ở Nam Mỹ với dự trữ dầu thô lớn, nhưng giờ đây, Venezuela lại là nền kinh tế khó khăn bậc nhất khu vực. Theo báo cáo của các trường đại học Venezuela, hiện nay có đến 80% dân số sống trong tình trạng nghèo khó.
Ngoài khủng hoảng năng lượng, Venezuela đang bị thiếu hụt lương thực và giá cả tăng vọt. Ảnh: GETTY
Ngoài khủng hoảng năng lượng, Venezuela đang bị thiếu hụt lương thực và giá cả tăng vọt. Ảnh: GETTY

Tình hình Venezuela làm ảnh hưởng chung đến khu vực. Kể từ năm 2015 đến nay, hơn 1,6 triệu người dân Venezuela đã rời bỏ đất nước, trong đó đa phần tìm cách định cư tại các nước láng giềng. 

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mức lạm phát của Venezuela có thể lên tới 1.000.000%.  Để chặn đà lạm phát phi mã, Tổng thống Maduro đã thông báo kế hoạch đổi tiền, theo đó, đồng nội tệ của Venezuela được điều chỉnh giảm 5 số 0 và có tên gọi mới là đồng “bolivar chủ quyền”. Biện pháp tỷ giá hối đoái do chính phủ thông qua sẽ cho phép thị trường nội địa điều chỉnh với giá dầu quốc tế, qua đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu. Chính sách  này là trụ cột trong nhóm chính sách cải tổ kinh tế mà Tổng thống Nicolas Maduro muốn thực hiện nhằm vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, thay đổi này chưa đủ thuyết phục nhiều chuyên gia kinh tế. Họ cho rằng chính biện pháp quản lý kinh tế không hợp lý đang đẩy quốc gia dầu mỏ xuống dốc.

Một trong những nguyên nhân đó là phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, nguồn năng lượng từng được xem là “giếng tiền” vô tận của quốc gia này. Giá dầu giảm và không có bước chuyển đổi thích ứng trong quản lý kinh tế kéo dài trong nhiều năm khiến Venezuela chìm vào khủng hoảng từ năm 2014. Lạm phát ngày càng tăng tốc, tiền nội tệ mất giá và tình trạng thiếu nhu yếu phẩm diễn ra tràn lan. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela cho rằng họ là nạn nhân của “cuộc chiến kinh tế” do Mỹ và các đối thủ chính trị gây ra. Chính phủ nước này chỉ trích vai trò của IMF khi cho rằng họ đặt quyền lợi của các nhà tài chính giàu có lên trên các nước đang phát triển.   

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế độc lập Venezuela Vladimir Adrianza Salas cho rằng các biện pháp, trong đó có việc phát hành đồng tiền mới “bolivar chủ quyền” có vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế Venezuela giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Điều này sẽ dẫn tới việc ban hành đồng tiền mới có thể giao dịch mà không liên quan đến dầu mỏ. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới lộ trình tăng hàng hóa và dịch vụ tại Venezuela. Ông Salas đánh giá động thái nhằm ổn định đồng nội tệ đang bị mất giá này là đúng đắn, đồng thời tin rằng việc hợp nhất tỷ giá hối đoái của đồng bolivar chủ quyền với đồng USD và EUR sẽ giúp ổn định giá trị của đồng tiền này.

Ông Vladimir Adrianza Salas cảnh báo những đối tượng hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela có thể sẽ tìm cách làm suy yếu các biện pháp phục hồi kinh tế. Do đó, Chính phủ Venenzuela cần cảnh giác để có hành động ứng phó sớm nhất có thể. Điều cần làm hiện nay là chú trọng đến tầm quan trọng của việc đa dạng hóa sản xuất và các mối quan hệ thương mại. Venezuela nên đánh thuế đối với các khoản thu nhập lớn ngay trong nước.

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng Venezuela đang diễn ra đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Maduro phải có biện pháp xử lý khôn khéo nhằm ổn định tình hình. Có như vậy mới tránh cho đất nước này rơi vào cảnh hỗn loạn khi cuộc sống người dân không được đảm bảo.

Tin cùng chuyên mục