Về với U Minh Thượng

Lá phổi xanh
Về với U Minh Thượng

Từ quốc lộ 80 ở ngã ba Rạch Sỏi (Kiên Giang), rẽ trái chừng 10km là về tới An Biên. Cách đây vài năm, muốn về U Minh, Miệt Thứ phải qua phà Tắc Cậu có lộ trình dài nhất Việt Nam vì phà băng ngang qua hai con sông lớn và một cù lao. Ngày nay, trên hai con sông Cái Lớn và Tắc Cậu đã có cầu bắc qua rất hoành tráng, hiện đại. Đến An Biên đi thêm 10km thì tới chợ Thứ Bảy. Từ đây có một con đường nhựa khá tốt (quốc lộ 63) chạy thẳng về huyện U Minh Thượng. Vườn quốc gia (VQG) U Minh Thượng nằm trên địa phận của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận thuộc tỉnh Kiên Giang.

Lá phổi xanh

Dòng sông Trẹm xinh tươi và lãng mạn chia U Minh thành hai vùng Thượng và Hạ. U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau.

Theo tư liệu của VQG U Minh Thượng, Vườn có diện tích trên 21.107ha, vùng lõi được bảo tồn nghiêm ngặt trên 8.000ha, còn lại là vùng đệm có khá nhiều hộ dân sinh sống, làm ruộng, trồng rẫy và nhận khoán trồng, giữ rừng cho nhà nước. Đây là loại rừng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước,  còn lại rất hiếm trên thế giới. U Minh Thượng và Hạ được xem như khu sinh quyển, lá phổi xanh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Ngoài cây tràm bản địa, U Minh Thượng còn có hơn 243 loài thực vật bậc cao, trong đó nhiều loài cây thân gỗ cao to như bùi, mốp, dầu ba lá, trâm, gáo... Nơi đây còn có 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư và 34 loài cá. Nhiều loài động vật hoang dã ở U Minh Thượng thuộc loại quý hiếm, đặc trưng và nguy cấp đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều loài có tên trong Sách đỏ như: rái cá lông mũi, cáo cộc, mèo cá, cầy vòi đốm, dơi ngựa Thái. Ở loài chim  như: gà đảy Java, diều cá đầu xám, đại bàng đen, hạc cổ trắng, cò lau Ấn Độ, cò ốc, bồ nông chân xám, điên điển, cồng cộc vàng. Ngoài ra, còn có sân chim rộng 44ha với hơn 700.000 cá thể

Sau buổi cơm chiều với cá rô kho trái giác và đọt choại chấm mắm cá lưỡi trâu ở ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, tôi ngủ một đêm bình yên ven bìa rừng U Minh Thượng không có muỗi đốt, trái ngược với câu ví: “U Minh muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội tựa bánh canh”. U Minh Thượng ngày nay đã có một bộ mặt khác: Rừng tràm nguyên sinh hầu như không còn nữa! Trước chiến tranh, khu vực này có trên 200.000ha rừng hoang dã, bây giờ chỉ còn vỏn vẹn chừng 8.053ha vùng lõi được bao quanh bởi trên 20.000ha vùng đệm. Chúng tôi ghé Ban Quản lý VQG U Minh Thượng gặp giám đốc Lê Hoàng Hưởng vào buổi sáng. Anh là người địa phương, trước công tác ở huyện An Minh, sau chuyển về làm giám đốc VQG U Minh Thượng trên 11 năm rồi!… Dưới thời anh lãnh đạo, cùng với xu thế phát triển du lịch về nguồn, VQG U Minh Thượng có nhiều thay đổi rõ nét. Khách du lịch trong ngoài nước tìm đến tăng 15% mỗi năm. Mấy năm nay, đường về Miệt Thứ đã có cầu và đường sá tốt. Từ TPHCM về U Minh Thượng chỉ  mất hơn 5 giờ lái ô tô, từ Cần Thơ về chỉ chừng 3 giờ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có chú khỉ một tay bám cành tràm, tay kia cầm trái chuối xiêm vàng ươm, còn miệng đang cắn một trái chuối chín khác. Đây là khỉ rừng, loài thú có vú còn nhiều nhất ở rừng U Minh Thượng. Lúc đến gần hồ Hoa Mai (trung tâm Vườn), tôi còn gặp mấy chú heo rừng con đang dũi mõm kiếm đồ ăn ở một bờ đất cao cách lộ nhựa chừng vài mét. Chúng xem ra rất dạn dĩ, không có vẻ gì sợ con người cả.

U Minh Thượng

Phó Giám đốc VQG U Minh Thượng Phạm Quốc Vân có dáng người nhanh nhẹn, anh vui vẻ cho biết: Hiện VQG đang triển khai nhiều công trình, hạng mục, khai thác du lịch sinh cảnh trên cơ sở thân thiện với môi trường, như đang làm những con đường bê tông nhỏ cặp các tuyến kênh để xe ngựa, xe điện đưa khách vào sâu trong rừng. Cách vài kilômét sẽ có đài quan sát, trạm dừng chân phục vụ ẩm thực cho du khách. Vào mùa nước nổi, các đội tàu sẽ đưa khách đi khắp các ngõ ngách của U Minh Thượng để câu cá, khám phá rừng vào ban đêm, nghiên cứu khoa học và sinh vật cảnh…

Khám phá

Bình minh, nắng lên, chúng tôi xuống vỏ lãi vào khu “rốn” của U Minh Thượng. Vỏ lãi chạy tốc độ vừa phải để khách tham quan hai bên rừng. Trải ra trước mắt chúng tôi là cánh đồng nước bạt ngàn, mênh mông, các loài thực vật thủy sinh phát triển rất mạnh, phong phú và đa dạng. Lục bình lá xanh ngát với hoa màu tím than điểm xuyến; bông súng với những cánh hoa mỏng hồng, hương thơm phảng phất; rau mác, bồn bồn, năng bộp, cỏ lác đâu đâu cũng có. Dọc bờ kênh còn khá nhiều loại tràm, gáo, trâm, mốp, lộc vừng. Các loài  chim muông như cò, diệc, vịt trời, cồng cộc… tung cánh bay từng đàn giữa không gian thoáng đãng. Nghe tiếng động cơ xuồng máy đến gần, một bầy le le hàng trăm con vụt bay vút lên cao rồi soãi cánh hướng về cụm rừng tràm xanh thẳm phía xa.

Vượt hết một phần con kênh dài xẻ ngang U Minh, chiếc vỏ lãi chạy lủi vào đám lục bình dày đặc án lối đi. Chừng non cây số đã thấy đài quan sát bằng bê tông sừng sững hiện ra. Chúng tôi lên đài quan sát ngắm xung quanh. Một màu xanh ngút ngàn, tít tắp đến cuối chân trời. Con rạch Xẻo Rô, dòng sông Trèm Trẹm uốn lượn như dải lụa trắng giữa ngàn trùng xanh thẳm đẹp như tranh…

Bữa cơm giữa rừng được dọn ra rất ấn tượng với các món ăn độc đáo của vùng rừng ngập nước: cá lóc nướng than hồng, ốc bươu hấp sả, rắn bông súng nướng lèo (mọi), bông súng chấm mắm kho, cá rô kho trái giác và rau hoang dã sạch và tươi.

Lập nghiệp ở vùng đệm

Vùng đệm của VQG có đến 13.069ha, phần lớn giao khoán cho các nông hộ canh tác, hình thành một vành đai bảo vệ rừng.

Tại đây, chúng tôi gặp nữ kiện tướng nông dân Phan Thị Như Ý, năm nay vừa ngoài 30 tuổi, độc thân, dáng người nhanh nhẹn. Chị tâm sự: “Năm 1993, gia đình tôi được giao khoán 5ha đất rừng ở vùng đệm để khai thác, sản xuất. Ban đầu, nơi đây là một vùng rừng hoang vu bạt ngàn, mùa mưa nước ngập sâu, mùa khô thiếu nước ngọt trầm trọng, hoàn toàn không thể canh tác, trồng trọt. Sau khi nhà nước hoàn thành đê bao kiên cố ngăn mặn, giữ ngọt; gia đình tôi bắt đầu lên bờ (liếp) cao, trồng các loại cây như chuối, dừa, gừng, khóm, đu đủ... trên đất mùn rất giàu hữu cơ của U Minh… nên cây phát triển tốt và có cái ăn, chỗ ở ổn định… được bà con ở quê Vĩnh Long khuyên trồng thử thanh long trên đất rừng U Minh, tôi làm theo cho trái vụ đầu tiên không đáng kể, nhưng vụ kế tiếp chỉ với 200 cây đã cho lợi nhuận trên 80 triệu đồng, rồi vụ kế tiếp thu được 150 triệu đồng”. Hiện nay Như Ý có gần 2.000 nọc thanh long ruột đỏ đang cho trái ổn định, mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng. Ngoài thanh long, các cây trồng khác như chuối, đu đủ, mướp hàng năm cũng đem lại cho gia đình chị thêm thu nhập không dưới 200 triệu đồng nữa.

Vườn thanh long sum suê trái của nữ kiện tướng nông dân Phan Thị Như Ý

Về U Minh, nghe rừng tràm xào xạc gió ru, nhìn những đầm lung bát ngát, thưởng thức các món ẩm thực dân dã; thấy xóm làng, bà con nông dân đã thực sự đổi đời, xây dựng nông thôn mới giữa miền rừng U Minh Thượng… đã để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc, ấn tượng khó quên.

Cách đây 2 năm, Bộ TN-MT đã trao chứng chỉ công nhận Vườn di sản ASEAN cho VQG U Minh Thượng. Đây là Vườn di sản ASEAN thứ 5 của Việt Nam và là Vườn di sản ASEAN đầu tiên về đất than bùn của khu vực. 4 vườn di sản được công nhận trước đó là Hoàng Liên (Lào Cai), Ba Bể (Bắc Kạn), Chư Mom Ray (Kon Tum) và Kon Ka Kinh (Gia Lai). Sắp tới vào đầu năm 2016, VQG sẽ làm lễ đón nhận bằng công nhận khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam do Ban Thư ký các khu Ramsar thế giới trao tặng sau khi đã đáp ứng được các tiêu chí do WWF (Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund) đề ra.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Tin cùng chuyên mục