Vay tiền về không tiêu được, Nhà nước phải trả lãi lớn

Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ 9 tháng đầu năm 2017 rất thấp. Điều này có nghĩa là hiện có một số tiền lớn đang nằm tại Kho bạc Nhà nước chưa giải ngân được, trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động.

Tại báo cáo số 1383 ngày 20-10-2017 vừa được gửi đến Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cảnh báo về tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 9 tháng đầu năm 2017 chỉ khoảng 7% dự toán - rất thấp so với tỷ lệ huy động TPCP đạt đến 80,8% kế hoạch, với lãi suất bình quân khoảng 6,1%/năm.

Điều này có nghĩa là trong khi có một số tiền lớn đang nằm tại Kho bạc Nhà nước, chưa giải ngân được, trong khi Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng chất lượng công tác lập, xây dựng kế hoạch phân giao vốn năm 2017 còn hạn chế.

Đầu tiên là phân bổ, giao kế hoạch vốn chậm. Đến ngày 21-8-2017, kế hoạch vốn năm 2017 chưa được giao còn tới khoảng 47.800 tỷ đồng (trong đó riêng vốn TPCP chưa giao khoảng 44.800 tỷ đồng/50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP); chưa kể kế hoạch vốn TPCP năm 2016 cũng còn 10.159 tỷ đồng chưa được phân giao (trên tổng số 16.458 tỷ đồng kế hoạch vốn TPCP năm 2016 chưa phân bổ, chuyển nguồn sang năm 2017).

Việc chậm phân giao vốn đầu tư, nhất là vốn TPCP đã dẫn đến lãng phí NSNN do phải trả lãi huy động; đồng thời làm tăng chi phí đầu tư xã hội khi nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư chưa thu hồi còn lớn...

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng thấp. 9 tháng đầu năm 2017 ước thực hiện chi từ nguồn NSNN đạt 53,1% dự toán, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần nhất (năm 2015: 64,8%; năm 2016: 54,5%). Trong đó, như đã nêu, tỷ lệ giải ngân vốn TPCP đạt rất thấp.

Ngược lại với vốn TPCP, kế hoạch vốn nước ngoài có thể vượt dự toán cả năm (60.000 tỷ đồng), tuy giải ngân trong 6 tháng đầu năm chỉ là 30,6% kế hoạch. Đáng tiếc là dự án metro Bến Thành – Suối Tiên, nguồn vốn ODA của nhà tài trợ đã sẵn sàng, nhưng lại không thể giải ngân, do bị giới hạn bởi trần bội chi và trần nợ công.

Kiểm toán Nhà nước khuyến nghị Chính phủ kịp thời rà soát, xem xét phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước năm 2016, 2017 để báo cáo Quốc hội. 

Theo Kiểm toán Nhà nước, trong điều kiện vốn TPCP chậm phân bổ và chậm giải ngân, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng kế hoạch vốn ngoài nước gắn với điều chỉnh giảm kế hoạch vốn TPCP.

Tin cùng chuyên mục