Vào mùa… hướng nghiệp

Thời điểm hiện tại, các trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đang tập trung đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, giúp học sinh đưa ra kế hoạch ôn tập phù hợp trong giai đoạn nước rút. Song, để công tác tư vấn đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả giáo viên lẫn phụ huynh.

Người hỗ trợ cũng cần được hướng nghiệp

Cuối tuần qua, gần 200 giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp tại các trường THCS trên địa bàn quận Bình Tân, quận 6 và huyện Bình Chánh đã có buổi tham quan thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Đây là hoạt động do phòng GD-ĐT 3 quận, huyện phối hợp với Trường Trung cấp Thủy sản tổ chức, nhằm trang bị cho giáo viên kiến thức và trải nghiệm thực tế liên quan đến nghề nghiệp.

Thông qua việc quan sát dây chuyền sản xuất, trao đổi với lãnh đạo các đơn vị để hiểu hơn về môi trường làm việc, cơ hội ứng tuyển vào các vị trí việc làm, các thầy cô sẽ có thêm cơ sở để định hướng nghề nghiệp cho học sinh. 

Giáo viên một trường THCS ở quận 6 cho biết: “Học sinh hiện nay có nhiều điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin khác nhau, hiểu biết về những ngành nghề lao động của các em rất phong phú. Do đó, vai trò của giáo viên hướng nghiệp không chỉ giới thiệu kiến thức đơn thuần như trước đây mà phải có sự định hướng, giúp học sinh xác định nguồn thông tin đúng và đưa ra lựa chọn phù hợp”.

Vào mùa… hướng nghiệp ảnh 1 Học sinh trải nghiệm “Một ngày làm giáo viên” tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10)
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên một trường THCS ở huyện Bình Chánh, bày tỏ trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, thị trường lao động xuất hiện nhiều ngành nghề lao động mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Nếu giáo viên không thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp, sẽ trở nên lạc hậu so với học sinh, khi đó không thể hoàn thành vai trò hướng dẫn và tư vấn.

Ở khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), lựa chọn nghề nghiệp của học sinh hiện nay bị chi phối rất nhiều từ định hướng của cha mẹ.

Trong đó, tâm lý chung của hầu hết gia đình đều muốn con học hết lớp 12 rồi thi vào đại học, chọn ngành học sao cho ra trường đi làm có thu nhập cao nhất.

Thực tế này dẫn đến nhiều trường hợp “bi hài” như con không thích học môn sinh nhưng mẹ bắt thi vào ngành y, con có sở trường về nghệ thuật nhưng gia đình muốn trở thành kỹ sư để có thu nhập ổn định.

Thậm chí có trường hợp, phụ huynh cương quyết con phải thi vào ngành quan hệ quốc tế chỉ vì “ngành học nghe oai” chứ không thật sự hiểu rõ ra trường cơ hội việc làm thế nào, năng lực con có phù hợp hay không.

Khắc phục tình trạng đó, nhiều năm trở lại đây, bên cạnh việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, trường học còn tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn cho phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về các ngành nghề đào tạo, qua đó mới có thể đồng hành cùng con.

Chọn ngành học phù hợp năng lực học sinh

Hiện nay, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp ở các trường phổ thông được tổ chức với nhiều hình thức mới lạ, sáng tạo. Theo đó, trường học không chỉ tổ chức các buổi tư vấn tập trung ở sân trường mà còn lồng ghép nội dung hướng nghiệp trong các buổi sinh hoạt đầu tuần, phối hợp với doanh nghiệp đưa học sinh đi tham quan thực tế, tổ chức cho học sinh giao lưu với người thành công ở một số lĩnh vực để qua đó giúp học sinh có thêm cơ sở xác định ngành học phù hợp…

Ngoài ra, một số đơn vị còn tổ chức các chương trình như “Một ngày làm giáo viên”, cho học sinh khối 12 trải nghiệm một ngày làm sinh viên ở các trường đại học. Tuy nhiên, nhiều học sinh cho biết hiệu quả của các buổi tư vấn mới dừng ở mức độ “vui, chứ chưa đủ”.

Lý giải thực tế này, phó hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp phân tích, trung bình mỗi học sinh hiện nay có 3 - 4 nguyện vọng nghề nghiệp. Do đó, dù rất muốn chia các em ra từng nhóm nhỏ theo lĩnh vực để tổ chức tư vấn nhưng cơ sở vật chất không cho phép, nhân lực ở trường không đủ tổ chức hướng nghiệp quanh năm mà chỉ tổ chức thành những đợt tập trung trong năm học.

Vì vậy, lời khuyên chung cho học sinh là phải chủ động tìm kiếm thông tin nghề nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng, website của các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề. Bên cạnh đó, học sinh nên có lựa chọn nghề nghiệp càng sớm càng tốt để có kế hoạch học tập phù hợp, tránh tình trạng “học dồn” khó đạt hiệu quả trong giai đoạn nước rút.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn, thành viên Hội Tâm lý khoa học - Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng sở thích và mục tiêu cá nhân chỉ là điều kiện ban đầu cho học sinh xác định ngành học, quan trọng hơn là các em phải xác định rõ bản thân có đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của nghề hay không.

“Đừng đặt nặng vấn đề điểm số hay phải vào đại học bằng mọi giá, mà hãy chọn ngành học vừa sức, phù hợp năng lực thì bản thân mới có thể phát triển lâu dài”, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn nhắn gửi.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết hiện nay không chỉ học sinh có học lực trung bình hoặc yếu mới chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, mà đã có nhiều trường hợp học sinh khá, giỏi rẽ hướng qua học nghề và thành công. Do đó, học sinh cần dựa vào năng lực của bản thân để lựa chọn hình thức học tập phù hợp, tránh chọn ngành học theo “tâm lý số đông” hoặc “học vì mong muốn của cha mẹ”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đang có sự dịch chuyển trong lựa chọn đăng ký bài thi tổ hợp của học sinh, trong đó tổ hợp Khoa học tự nhiên - vốn có tỷ lệ đăng ký áp đảo trong những năm học trước - giảm nhẹ, nhường chỗ cho sự gia tăng tổ hợp bài thi Khoa học xã hội. Đơn cử tại Trường THPT Thủ Đức (quận Thủ Đức), tỷ lệ học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội năm nay tăng gần 20% so với năm học 2018-2019.

Tin cùng chuyên mục