Đăng ký tuyển sinh đại học 2019:

Vắng bóng thí sinh những ngành xã hội có nhu cầu

Sau khi Bộ GD-ĐT thống kê số lượng thí sinh và nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) năm 2019, các trường ĐH cũng nắm được số thí sinh đăng ký vào từng ngành nghề. Toàn cảnh bức tranh tuyển sinh cho thấy có sự phân hóa rõ rệt giữa từng tốp trường, loại hình trường cũng như từng nhóm ngành; trong đó đáng buồn nhất vẫn là ngành sư phạm.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM

Trường tốp đầu vẫn hút thí sinh

Cùng với số lượng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia giảm (gần 40.000 thí sinh so với năm 2018), số lượng đăng ký thi xét tuyển ĐH cũng giảm hơn 35.000 thí sinh và số lượng NV cũng giảm hơn 175.000 NV. Tuy nhiên, nhiều trường có uy tín, trường tốp đầu vẫn thu hút khá đông thí sinh đăng ký. 

Thống kê sơ bộ tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho thấy số lượng NV và số thí sinh đăng ký vào trường tương đương năm 2018, trường có hơn 30.000 NV đăng ký, nếu tính riêng NV1 là hơn 10.000. Nhìn chung, năm nay thí sinh nắm rõ hơn các đặc điểm của các ngành đào tạo nên NV đăng ký có vẻ như tập trung hơn. 

Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin tuyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, cho biết: Tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển tương đương như năm 2018, với 15.275 thí sinh và trên 20.232 NV. Tổng số NV nhiều nhất ở nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin - hơn 5.800 NV.

Nếu tính tổng số từ NV1 đến NV3 thì tăng hơn so với năm 2018 ở các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Hóa học, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật điện tử - Viễn thông.

Các ngành Sinh học, Vật lý học, Khoa học vật liệu, Toán học, Hải Dương học, Địa chất học hay các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Nam bộ thì NV1 rất ít, chỉ tập trung ở NV2 và 3 so với chỉ tiêu từng ngành (với chỉ tiêu 50% theo phương thức xét bằng điểm THPT quốc gia 2019).

Trong khi đó, các trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TPHCM như ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế Luật, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc tế, số lượng NV và thí sinh đăng ký cũng tương đương so với năm 2018.

Phân hóa lựa chọn ngành nghề

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhóm ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật có số lượt thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019 cao nhất; nhóm ngành xã hội nhân văn, an ninh quốc phòng có tỷ lệ “chọi” cao nhất.

Cụ thể, khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) có số NV đăng ký cao nhất, 822.956 NV trên 126.473 chỉ tiêu (số NV đăng ký nhiều hơn 6,9 lần so với chỉ tiêu).

Trong khi đó, khối ngành có tỷ lệ “chọi” cao nhất (1/7) là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 NV.

Đặc biệt, nhóm ngành an ninh, quốc phòng có chỉ tiêu ít nhưng số NV đăng ký rất cao nên khiến tỷ lệ chọi nhóm ngành này lên cao ngất. Khối VI (ngành sức khỏe) tổng số NV đăng ký là 199.573 trên 34.352 chỉ tiêu (tỷ lệ chọi trung bình là 1/5,8).

Mặt khác, thống kê từ các trường ĐH cho thấy, năm nay nhóm ngành du lịch và công nghệ thông tin có bứt phá ngoạn mục nhất. Nhiều trường có đào tạo những ngành này như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Tài chính Marketing, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, số NV đăng ký cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu cần tuyển - từ 10 đến 64 lần.

Điển hình, ngành Công nghệ thông tin  của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) có 6.400 NV đăng ký, nhưng chỉ có 100 chỉ tiêu. Lý giải về thực tế này, nhiều trường cho rằng nguyên nhân chính là do chính sách. Cụ thể là dự báo nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ thông tin và du lịch rất cao trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết một số ngành đào tạo của trường lại không gây “ấn tượng” với thí sinh mặc dù nhu cầu lao động của xã hội đối với các ngành đó rất cao, như nhóm ngành Kỹ thuật địa chất/Kỹ thuật dầu khí; Kỹ thuật môi trường/Quản lý tài nguyên và môi trường; Kỹ thuật vật liệu; Kỹ thuật trắc địa - bản đồ; Kỹ thuật vật liệu xây dựng; Vật lý kỹ thuật; Cơ kỹ thuật; Bảo dưỡng công nghiệp.

Ngành sư phạm tiếp tục giảm

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, năm 2019, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và trường có đào tạo ngành sư phạm các trình độ cao đẳng, trung cấp tiếp tục giảm thêm 5,14% so với năm 2018. Do số thí sinh đăng ký dự thi THTP quốc gia năm 2019 giảm, nên tổng số lượt NV đăng ký xét tuyển năm 2019 cũng giảm 6,37% so với năm ngoái. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển năm nay lại tăng: 489.637 chỉ tiêu, bình quân mỗi chỉ tiêu có tới 5,3 NV (năm 2018 là 6,04).

Tin cùng chuyên mục