Vắng bóng dự án sản xuất, vốn dồn vào bất động sản

Ngày 10-5, chủ trì phiên họp của UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý về tình trạng không có dự án sản xuất, chế biến đăng ký mới. Do vậy, vấn đề đặt ra đối với TPHCM là phải có chính sách hợp lý, tìm kiếm dự án đầu tư lớn về sản xuất, chế biến.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp

Sốt ruột trước hàng loạt dự án chựng lại 

Tại cuộc họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2019, TP có hơn 13.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 212.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng DN bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ cao nhất (hơn 39%). Số DN kinh doanh bất động sản thành lập mới ít nhất (BĐS), chỉ hơn 7%. Tuy nhiên, các DN kinh doanh BĐS lại đăng ký vốn cao nhất, chiếm gần 33% tổng số vốn DN đăng ký thành lập mới. Tương tự, các DN nước ngoài cũng tập trung vốn vào lĩnh vực BĐS (gần 47% vốn đầu tư), trong khi vốn đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm gần 7%.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ lo lắng khi tình hình phát triển công nghiệp 4 tháng đầu năm chậm lại. Nguyên do, các DN dồn vốn đầu tư BĐS nhưng đầu tư vào sản xuất, công nghiệp chế biến rất khiêm tốn. “Sản xuất chế biến ở TPHCM còn tiềm năng rất lớn. Thế nhưng, trong 4 tháng, trên địa bàn TPHCM không có dự án nào về sản xuất chế biến được thành lập mà vốn toàn đầu tư vào BĐS”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận xét. 

Thực tế này càng đòi hỏi TPHCM cần phải hoàn thiện môi trường đầu tư, có chính sách hợp lý, tìm kiếm nhà đầu tư quy mô lớn về đầu tư cho sản xuất, chế biến. Từ đó, mới tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra sức cạnh tranh, nâng cao tăng trưởng cho TP. Đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng một loạt dự án đang gặp vướng mắc cần được tháo gỡ. Đó là dự án Lotte (quận 2), khu phức hợp ở Thủ Thiêm (quận 2), dự án đốt rác thành năng lượng, xây dựng trung tâm triển lãm, Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh)… “Các dự án đang vướng chỗ nào, tại sao cứ để như thế? Các sở ngành làm kiểu gì, cứ rời rạc, không tập trung, nên 4 tháng đầu năm trôi qua rồi mà vẫn chưa tạo chuyển động mạnh mẽ gì. Các công trình văn hóa thể thao không có. Dự án lớn cũng không có cái nào. Tất cả đều chựng lại”, đồng chí Nguyễn Thành Phong sốt ruột cho biết và yêu cầu các sở ngành lựa chọn một số dự án cấp bách, trọng tâm để đeo bám, tập trung tháo gỡ nhanh, tạo thuận lợi cho DN đầu tư phát triển.

Cải cách hành chính phải đột phá

Liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC), Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay, sau đợt cao điểm thi đua 3 tháng về CCHC (từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019), nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ thông tin, học hỏi các đơn vị khác để có cải tiến tốt hơn trong CCHC. Qua kiểm tra việc hiện quy tắc ứng xử, nhìn chung cán bộ, công chức, viên chức có ứng xử chuẩn mực hơn. Tuy nhiên, đối với vấn đề này cần làm thường xuyên, có điểm nhấn và công khai kết quả xử lý. Cách làm này nhằm gây tiếng vang để tạo sự thay đổi chung, chứ không phải chỉ kiểm tra nơi nào thì chỉ nơi đó chấn chỉnh.

Về việc tổ chức ghi nhận sự hài lòng của người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, hiện nay các đơn vị chỉ ghi nhận được khoảng 6% người dân đến làm thủ tục, trong khi mục tiêu đặt ra cho năm 2019 là 30%-40%. Theo ông Trương Văn Lắm, nếu hỏi người dân về 8-10 tiêu chí hài lòng hay không hài lòng sẽ rất mất thời gian. Người dân cũng không có thời gian và không muốn ngồi lại để trả lời, trừ khi họ đang bức xúc. Vì thế, nên hỏi người dân thật gọn, rằng hài lòng hay không hài lòng? Nếu không hài lòng thì hỏi thêm về thủ tục, thái độ. Cách thiết kế câu hỏi này sẽ dễ dàng hơn trong việc ghi nhận ý kiến của người dân.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng,  năm 2019 TPHCM cần tạo điểm nhấn trong CCHC. Song, các đơn vị mới chỉ thực hiện những cải cách nhỏ lẻ, sự vụ. Những cải cách đó không sai nhưng chưa hẳn tạo ra đột phá. Vì vậy, các quận huyện, sở ngành cùng TP thực hiện CCHC thì phải chọn những việc mấu chốt để đột phá, thay vì chỉ thực hiện những việc sự vụ lẻ tẻ, không đúng tầm. Cùng đó, TP sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong CCHC đảm bảo sự đồng bộ, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. TP cũng đề nghị đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm “định vị chi tiết” các sự việc xảy ra trên địa bàn, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ công chức.

“Điện, xăng tăng giá nhưng ảnh hưởng DN không nhiều”

Trước tình trạng giá xăng tăng liên tục và giá điện tăng cao trong thời gian vừa qua, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên khẳng định: “Giá điện tăng, xăng tăng khiến DN ảnh hưởng nhưng… không nhiều, chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất”. Theo ông Phạm Thành Kiên, sau khi xăng tăng giá liên tục, Sở Công thương đã làm việc với các DN. Hầu hết DN cho biết, tăng giá xăng có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhưng ảnh hưởng không nhiều, vì xăng dầu chiếm 1% trong cơ cấu giá thành.
Về giá điện, Sở Công thương cũng làm việc với một số DN sử dụng điện nhiều như DN cơ khí. Giá tăng điện đã gây ảnh hưởng tới DN, nhất là hợp đồng đã ký từ đầu năm. Tuy nhiên, DN cơ khí nói… chưa ảnh hưởng nhiều (!?). Dù vậy, các DN cũng đang phối hợp với ngành điện lực để tìm cách tiết kiệm điện.

Tin cùng chuyên mục