Vấn nạn lại gia tăng

Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) đang là vấn nạn nhức nhối của cả nước nói chung và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) nói riêng, bởi cả số vụ việc lẫn tính chất phức tạp đều đang có chiều hướng gia tăng. 

Tưởng chừng sau vụ Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh BR-VT) bị tuyên án tù thì tình trạng XHTDTE sẽ được kéo giảm, nhưng thực tế lại trái ngược. 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh BR-VT xảy ra 22 vụ (7 vụ hiếp dâm, 11 vụ giao cấu, 4 vụ dâm ô), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là tính chất các vụ việc phức tạp, đa phần đối tượng xâm hại là người thân quen, họ hàng, người cao tuổi, người có địa vị trong xã hội. 

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Pháp y tỉnh BR-VT, số vụ giám định XHTDTE có chiều hướng tăng, gấp 1,7 lần so thời điểm cách đây 10 năm. Trung bình một năm có 47,8 vụ XHTDTE, đa số nạn nhân ở lứa tuổi từ 13 - 16, chiếm tỷ lệ 80,7%. Không ít vụ việc sau khi xảy ra mặc dù được báo là vụ việc hiếp dâm nhưng vẫn chậm trưng cầu giám định, dẫn đến mất chứng cứ từ bị hại, gây khó khăn trong công tác điều tra. Cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em thừa nhận, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ XHTDTE không bị phát hiện, do gia đình không trình báo vì e ngại ảnh hưởng đến danh dự và tương lai trẻ, hoặc nhiều trường hợp bị hăm dọa hay dùng tiền hòa giải.

Nguyên nhân dẫn đến số vụ XHTDTE gia tăng là do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế, nhiều bậc phụ huynh ít dành thời gian chăm sóc, quan tâm con cái, nhất là ở những vùng nông thôn. Bên cạnh đó, những tác động ảnh hưởng của mạng xã hội và các loại ấn phẩm độc hại đến với trẻ quá dễ dàng, trong khi sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt; công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về chăm sóc và bảo vệ trẻ em còn hình thức, chưa thường xuyên, chưa phát huy hiệu quả. Nhưng vấn đề căn bản là pháp luật xử lý đối với các hành vi XHTDTE chưa nghiêm, thiếu tính răn đe, khiến nhiều đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Theo bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH tỉnh BR-VT), thực trạng pháp lý đối với tội phạm này chưa được quy định cụ thể nên rất khó phát hiện loại tội phạm. Ngoài ra, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, phụ huynh và các em còn e ngại khi đề cập đến giáo dục giới tính nên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh.

Tin cùng chuyên mục