Vấn nạn bằng lái xe giả


Vấn đề bằng lái xe giả, toàn phần hoặc bán phần - tức được cạo sửa ngay trên bằng thật - vốn là chuyện đã có từ lâu và vẫn dai dẳng tới nay.
Một số người đang điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bằng lái giả. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một số người đang điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bằng lái giả. Ảnh: THÀNH TRÍ

Giả nhiều loại bằng

Số liệu thống kê mới nhất của Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (QLSH-CGPLX) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy từ đầu năm đến giữa tháng 12-2018, Phòng QLSH-CGPLX đã phát hiện gần 300 bằng lái xe giả mạo, bình quân mỗi tháng phát hiện gần 25 trường hợp, hầu hết được làm giả hoàn toàn. Trong gần 300 bằng lái xe giả mạo đã được phát hiện trong năm nay chiếm nhiều nhất là loại bằng lái điều khiển mô tô, tức bằng lái A1 với 146 trường hợp, đứng thứ nhì là bằng lái ô tô (bằng B2) với 60 giấy phép lái xe. Tiếp theo là bằng lái xe tải, bằng C với 29 trường hợp giả mạo. Bằng lái xe khách dưới 30 chỗ ngồi (bằng D) nhiều thứ tư với 20 trường hợp.

Một thống kê đáng chú ý khác, gần 300 bằng lái giả bị phát hiện từ đầu năm đến nay là do nhiều đơn vị khác nhau (Công an thành phố, thanh tra GTVT, các công ty bảo hiểm) gửi về để nhờ Phòng QLSH-CGPLX  xác minh thật giả. Cũng có trường hợp bị Phòng QLSH-CGPLX phát hiện khi bằng lái hết hạn được đem đến xin đổi hoặc chủ bằng lái báo mất và xin được cấp lại bằng lái khác.

Câu hỏi đặt ra vì sao nạn bằng giả còn đất sống, thậm chí sống dai dẳng? Không khó để chỉ ra rằng có rất nhiều lý do được người xài bằng giả trưng ra… bào chữa! Đó có thể là do trình độ học vấn của bản thân còn hạn chế, từ đó dẫn tới sự nhút nhát, thiếu tự tin hoặc có khi không đủ sức hoàn thành bài sát hạch, nhất là sát hạch lý thuyết. Túng thì phải tính và cái “tính” đó là chuyển sang nhờ “cò”.

Nhiều bằng lái xe giả bị phát hiện thời gian qua rơi vào bằng lái xe khách. Tìm hiểu mới biết hóa ra do luật quy định để được dự thi lấy bằng lái D hoặc E, người dự thi buộc phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (hết lớp 9), riêng đối với bằng E còn có thêm điều kiện tuổi đời phải từ 27 trở lên, trong khi thực tế đa phần người muốn học lấy loại bằng lái xe chở khách đều có học vấn thấp. Tương tự, điều kiện về thâm niên khi muốn nâng hạng bằng lái được Bộ GTVT sửa đổi chặt chẽ hơn khi buộc phải có bằng lái trước đó 3 năm. Thời gian chờ đủ thâm niên khá dài, trong khi nhu cầu mưu sinh - lái xe - thúc bách, thế nên bằng lái giả còn… đất sống. Nói cách khác, phần nào đó chính tâm trạng sốt ruột hoặc nhu cầu bức bách phải sớm có bằng lái hành nghề nên có những người đánh liều chấp nhận xài bằng giả.

Vì đâu nên nỗi?

Trong vai người muốn “có bằng mà không phải đi thi vì trình độ hạn chế”, chúng tôi được một “cò” xe báo giá: Nếu là bằng lái mô tô thì 1,5 triệu đồng; bằng lái ô tô giá từ 13 - 15 triệu đồng/bằng, tùy theo loại bằng đó là dấu B, C, D hay E. Sự dao động trong biểu giá mà “cò” đưa ra như thế là do còn tùy theo yêu cầu của thân chủ muốn hay không muốn có bộ hồ sơ gốc, bao gồm giấy khám sức khỏe, đơn xin dự thi, biên bản chấm thi, giấy phép lái xe, chứng chỉ nghề.

Đem bảng báo giá này của “cò” so sánh với biểu giá chính thức theo quy định của nhà nước mới thấy mức độ chênh lệch nhiều như thế nào. Bởi nếu đi thi “đàng hoàng”, người ta chỉ tốn vài trăm ngàn đồng cho bằng lái mô tô, còn bằng lái ô tô dao động từ vài triệu đồng tùy theo dấu B, C, D hay E.

Theo nhận xét của ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng QLSH-CGPLX, bất kể vì lý do gì, một khi đã nhờ “cò” làm giấy phép lái xe giả để không phải đi học, đi thi mà vẫn có bằng thì thực chất những trường hợp này người dân đã bỏ tiền ra mua giấy phép lái xe giả, tức đã sai ngay từ đầu. Vẫn theo ông Ngô Đình Quang, nếu do trình độ, tâm lý, sức khỏe không thể tham dự và hoàn tất bài thi sát hạch lái xe, tốt hơn những người này đừng cố tìm kiếm bằng lái bằng mọi giá, thay vào đó nên chuyển sang các phương tiện giao thông khác khi có nhu cầu đi lại như xe buýt, taxi…

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Sát hạch lái xe Hoàng Gia, nhận xét rằng tệ nạn này cũng một phần do “lỗi” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. “Chế tài đối với hành vi làm giả mặc dù có nhưng chỉ là việc tước/tịch thu bằng lái giả một khi phát hiện, ngoài ra, không có bất cứ biện pháp răn đe, xử lý nào hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Hoàng Long nói.

Cũng có ý kiến cho rằng bản thân nội dung bộ đề thi sát hạch lý thuyết vẫn còn những câu hỏi nặng tính định nghĩa, lý luận trừu tượng, thậm chí tối ý, trong khi không ít người có nhu cầu lấy bằng lái để đi làm đều thuộc diện trình độ không cao. Đó là những câu hỏi đại loại như “Đường phố là gì?”, “Phương tiện tham gia giao thông thô sơ đường bộ là gì?”, “Phương tiện tham gia giao thông cơ giới đường bộ là gì?”… Lãnh đạo một trường dạy lái xe tại TPHCM nhận xét rằng có khoảng 20% số câu hỏi trong bộ đề thi rơi vào diện này.

Tin cùng chuyên mục