Văn học đề tài chiến tranh cần đa dạng hơn

Nhắc đến văn học về đề tài chiến tranh của Việt Nam, bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và lan tỏa của tác phẩm này; nhưng thực tế, văn học về đề tài chiến tranh còn rất nhiều tác phẩm đến từ các thế hệ khác nhau. 

Mở rộng diện quan sát 

Sau Hàn Quốc, tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh vừa được dịch sang tiếng Trung, do NXB Văn nghệ Hồ Nam phối hợp với Công ty CS-Booky thực hiện. Trước đó, tác phẩm đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng, trở thành niềm tự hào của văn học Việt Nam nói chung và văn học về đề tài chiến tranh nói riêng.

Trong lần sang Việt Nam giao lưu mới đây, nhà văn Diêm Liên Khoa - nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc, đã dành nhiều lời khen ngợi cho tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh: “Tôi đã đọc Nỗi buồn chiến tranh, cảm thấy xúc động và kinh ngạc. Tôi không tin có bất kỳ nhà văn Trung Quốc nào, bao gồm cả tôi, có thể viết về chiến tranh hay hơn Bảo Ninh. Ông đã viết về sự tàn khốc của chiến tranh, nói được những điều vượt ra ngoài văn học”. 

Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh xuất bản từ năm 1990, sau gần 30 năm vẫn tiếp tục là tác phẩm có sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà đã có vị trí trong lòng độc giả trên thế giới. Điều này vô hình trung khiến Nỗi buồn chiến tranh đang phủ một cái bóng quá lớn xuống những tác phẩm sau này.

Tuy nhiên, theo nhà phê bình văn học Văn Giá, nói rằng chưa có tác phẩm nào vượt qua Nỗi buồn chiến tranh chỉ là cách nói nhằm khẳng định chất lượng và độ ảnh hưởng của tác phẩm đối với trong nước và thế giới.

Còn sứ mệnh của văn học chiến tranh cần phải nối dài và đa dạng hơn. Sau Nỗi buồn chiến tranh, có nhiều nhà văn viết về chiến tranh các thời kỳ và cũng đa dạng trong cách tiếp cận.

Cũng theo nhà phê bình Văn Giá, văn học bây giờ diện quan sát về chiến tranh được mở rộng hơn. Không chỉ chiến tranh thời trước những năm 1975, mà còn được mở rộng sang chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh phía Bắc thời kỳ sau năm 1975.

“Về tiểu thuyết có 2 quyển rất khá là Miền hoang của Sương Nguyệt Minh viết về chiến tranh biên giới Tây Nam và Mình và họ của Nguyễn Bình Phương viết về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Nỗi buồn chiến tranh tuy rất xuất sắc nhưng không đủ để tạo nên một nền văn học chiến tranh, mà phải có những thành tựu tiếp nối và đa dạng”, nhà phê bình Văn Giá cho biết. 

Sự tiếp nối mà nhà phê bình Văn Giá nhắc đến có thể nhận thấy ngay ở thế hệ cầm bút. Sau những người đi ra từ cuộc chiến như Đoàn Tuấn, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Vũ Công Chiến, Nguyễn Thành Nhân… văn đàn sau này xuất hiện những tác giả trẻ như Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang…

Cho dẫu chưa đạt đến tầm như Nỗi buồn chiến tranh, nhưng không phủ nhận, một số tác phẩm đã góp phần nhắc nhớ độc giả, nhất là những độc giả trẻ ngày nay về một quá khứ vẻ vang nhưng rất dễ bị lãng quên.

Đặc biệt, gần đây các tác phẩm tập trung phản ánh về 2 cuộc chiến mà với thế hệ trẻ ngày nay không phải ai cũng biết. Đó là ở biên giới phía Bắc (Mình và họ, Xác phàm, Bóng anh hùng…) và biên giới Tây Nam (Miền hoang, Chuyện lính Tây Nam, Mùa xa nhà, Về từ hành tinh ký ức, Mùa chinh chiến ấy…).  

Văn học đề tài chiến tranh cần đa dạng hơn ảnh 1 Một số tác phẩm văn học viết về chiến tranh gần đây

Thay đổi cách nhìn 

Thuộc thế hệ 8X, là tác giả của một số truyện ngắn viết về đề tài lịch sử, chiến tranh gây tiếng vang trước đó, nhưng chỉ đến truyện dài Cửa sổ phía đông, Nguyễn Thị Kim Hòa mới thực sự tạo nên cuộc bứt phá của riêng mình. Tác phẩm này giúp chị đạt giải tư cuộc thi “Văn học tuổi 20 - lần 6”.

Nhà văn Kim Hòa bộc bạch: “Khi lựa chọn viết một tác phẩm về đề tài chiến tranh, mục đích của tôi không gì khác ngoài đưa đề tài chiến tranh đến gần hơn với bạn đọc trẻ, những người đa phần “ngán” đọc chiến tranh vì… xa lạ. Đó là lý do tôi đưa thêm vào các yếu tố giả tưởng, trinh thám để tạo sự tò mò, hấp dẫn nơi độc giả trẻ”. 

Là thế hệ sinh ra khi đất nước đã im tiếng súng, lựa chọn theo đuổi đề tài chiến tranh, được xem là áp lực mà nhiều tác giả trẻ phải vượt qua. Khi chiến tranh đã lùi xa, và đặt trong bối cảnh thế giới đang vận động và kêu gọi hướng về hòa bình, thì văn học chiến tranh nên được tiếp cận và khai thác như thế nào?

Trước vấn đề này, nhà phê bình Văn Giá cho rằng: “Tôi nghĩ, bây giờ không nên gọi bằng khái niệm “văn học chiến tranh” nữa, mà nên gọi là “văn học bộ đội”, “văn học người lính” để có sự bao quát rộng hơn về hiện thực không chỉ có người lính trong chiến tranh mà còn có người lính trong hòa bình, trong nhiệm vụ tình nguyện quốc tế…”. 

Nhà phê bình Văn Giá nói thêm: “Hơn nữa, theo cách nói của nhà văn Diêm Liên Khoa trong dịp sang Việt Nam gần đây, ông cho rằng văn học không nên đề cao “chủ nghĩa ái quốc” mà cần phải đề cao “chủ nghĩa hòa bình”. Tôi tâm đắc với tinh thần này”.

Trong khi đó, nhà văn Kim Hòa lựa chọn viết về chiến tranh ở khía cạnh nỗi đau. Chị lý giải: “Từ nỗi đau sẽ hé lộ những phận người, những bi kịch mà cuộc chiến nào cũng gặp. Tôi nghĩ đó cũng là công thức chung của nhiều người viết chiến tranh. Công thức cũ nhưng nếu biết chế biến, nêm nếm hợp lý các yếu tố cảm xúc, giọng văn và thông điệp, chắc chắn sẽ tạo được “món ngon vừa miệng” độc giả”.

Tin cùng chuyên mục