Vận động người Việt dùng hàng Việt - cuộc “tập trận” quan trọng đưa hàng Việt ra nước ngoài

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn chứng kinh nghiệm của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã "tập dợt" bằng cách phát triển thị trường trong nước để hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Sau đó, họ đưa hàng hóa đi chinh phục thế giới.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu sản phẩm thương hiệu Việt. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu sản phẩm thương hiệu Việt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 20-4, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động).

Về phía Trung ương có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động. Về phía TPHCM có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.

Sử dụng hàng Việt trở thành nhu cầu

Giao lưu tại hội nghị, nghệ sĩ Hạnh Thúy, Câu lạc bộ Đại sứ hàng Việt nhận xét, nhu cầu sử dụng hàng Việt của người Việt gần đây gia tăng. Đối với bản thân, nghệ sĩ Hạnh Thúy còn bày tỏ, ý thức được việc sử dụng hàng Việt là yêu nước, là xây dựng lòng tự hào dân tộc nên bản thân và gia đình đã sử dụng nhiều hàng Việt hơn, từ những thứ nhỏ nhất như chai nước mắm, dầu ăn đến gói bánh biếu tặng dịp lễ, tết. Ngoài ra, qua các chuyến tuyên truyền, quảng bá hàng Việt, bà con cũng luôn sẵn lòng với hàng Việt. Họ đón nhận hàng Việt một cách tự nhiên, nhất là với những sản phẩm có uy tín, thương hiệu, chất lượng. Đối với nhiều người, tôi nhận thấy, sử dụng hàng Việt phải là thói quen, mà nhu cầu người tiêu dùng muốn hướng đến”, nghệ sĩ Hạnh Thúy nhận xét.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu sản phẩm thương hiệu Việt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trên cương vị đơn vị phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, hưởng ứng cuộc vận động, Saigon Co.op đã thực hiện nhiều chương trình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, như chương trình kích cầu “tự hào hàng Việt”, được tổ chức định kỳ hàng năm. Cùng đó là việc đồng hành với doanh nghiệp, đưa hàng hóa, nông sản Việt Nam xuất khẩu. Đặc biệt, Saigon Co.op cũng có các hoạt động hướng đến lợi ích cộng đồng, bằng các chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh, từng bước hạn chế kinh doanh những sản phẩm không có lợi cho môi trường.

Các DN giao lưu tại Lễ tổng kết 10 năm "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ảnh: VIỆT DŨNG 

Nhấn mạnh đến vai trò của chợ truyền thống đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Phó Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương khẳng định, chợ truyền thống có vai trò riêng trong hưởng ứng cuộc vận động. Bà con tiểu thương cũng chuyển hướng để đưa hàng Việt đến người tiêu dùng một cách sâu rộng và nhanh hơn.

Chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều “lực cản”

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Tấn Ngời, khẳng định chủ trương phát động, thực hiện cuộc vận động đã tạo được sự đồng tình và tích cực hưởng ứng của đông đảo nhân dân và doanh nghiệp (DN). Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên trong toàn Đảng bộ từ TP đến cơ sở. Đặc biệt, TPHCM còn gắn cuộc vận động với chương trình Bình ổn thị trường của TP, qua đó hỗ trợ và tạo chuyển biến tích cực trong hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt. “Cuộc vận động cũng nâng cao nhận thức của DN trong việc khai thác thị trường nội địa và chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng uy tín thương hiệu”, đồng chí Trần Tấn Ngời nhận xét.

Từ chương trình, các hoạt động quảng bá, kết nối DN và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam đã lan tỏa tích cực từ TPHCM đến các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TPHCM. Cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và toàn xã hội.

Đồng chí Trần Tấn Ngời cũng phân tích: “Với quy mô lớn và tốc độ phát triển nhanh của thị trường TP, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để”.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam đòi hỏi quá trình vận động lâu dài, đặc biệt DN phải cải thiện chất lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hóa và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, DN ở TPHCM và cả nước nói chung đa số có quy mô vừa và nhỏ nên hạn chế về năng lực cạnh tranh và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Xác định việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Trần Tấn Ngời nhận xét, thời gian tới, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như quốc tế ngày càng gay gắt hơn, đòi hỏi cuộc vận động thực hiện với yêu cầu cao hơn. Về giải pháp, đồng chí cho rằng, TPHCM cần tập trung nâng cao công tác tuyên truyền cuộc vận động. Trong đó, các DN cần nâng cao chất lượng, giá cả hợp lý để đảm bảo yêu cầu “Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng Việt”.

Đồng chí Trần Tấn Ngời cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế, như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ đối với các sản phẩm nhập khẩu... Việc này nhằm đảm bảo hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm tra chặt chẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình cụ thể.

Cùng đó, kiến nghị Chính phủ đạo các bộ ngành tăng cường vai trò trong thúc đẩy sự phối hợp nhằm khuyến khích tạo lập các mối liên kết sản xuất - lưu thông hàng hóa giữa các DN trên các tỉnh, thành của cả nước.

“Mỗi lần đi chợ là nhớ tới hàng Việt Nam”

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao kết quả của cuộc vận động 10 năm qua đồng thời biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, các DN đã nỗ lực, sáng tạo triển khai tốt chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy và sự chỉ đạo của Thành ủy.

“Tôi đặc biệt biểu dương các tầng lớp nhân dân TP với truyền thống yêu nước đã tích cực hưởng ứng bằng hành động ưu tiên mua sắm hàng Việt”, đồng chí bày tỏ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, DN Việt Nam đã sản xuất nhiều mặt hàng chất lượng tốt hơn, mẫu mã đa dạng và phong phú hơn. Về phía người tiêu dùng mua hàng Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Chính sự cộng hưởng này tạo ra sự phát triển kinh tế và khẳng định được ý nghĩa của lòng yêu nước của người Việt được đặt đúng chỗ, là khuyến khích, ủng hộ hàng Việt chất lượng tốt, không chấp nhập hàng kém chất lượng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen cho các tập thể. Ảnh: VIỆT DŨNG 

Phân tích thêm về ý nghĩa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế. Bởi, nếu chỉ là kinh tế thì khi hàng tốt như nhau, người tiêu dùng sẽ chọn hàng giá cả thấp.

“Kinh tế thị trường thì người tiêu dùng sẽ mua hàng tốt, giá rẻ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và cho rằng, việc ưu tiên hàng Việt thể hiện ở chỗ, dù hàng chưa hoàn toàn tốt, cùng giá với hàng tốt vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, mua hàng Việt Nam. Đó là vì người Việt yêu nước, lo cho người Việt Nam.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, mỗi món hàng do người Việt Nam tạo ra, được người Việt mua là chi trả thu nhập cho người Việt Nam. “Nếu chỉ đơn thuần về thị trường thì không cần mua hàng Việt Nam, nếu hàng không tốt hơn hàng nước ngoài. Nhưng vì yêu nước - một đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, sản xuất hàng Việt không chênh lệch lớn với hàng nước ngoài thì việc ưu tiên hàng Việt, thương người Việt Nam là vì thế”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Song, ở vế ngược lại, DN cũng cần không ngừng nỗ lực để tuân thủ các nguyên tắc thị trường. Nghĩa là khi DN không tạo ra được sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh thì sẽ không có khách hàng.

“Vận động người tiêu dùng là rất cần thiết nhưng cũng phải gây sức ép để nhà sản xuất sản xuất hàng hóa cạnh tranh hơn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và cho rằng, thời gian tới cần vận động theo hướng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chất lượng tốt”, để DN sản xuất hàng hóa chất lượng tốt. Điều này cũng nhằm phù hợp với quy luật của thị trường.

Dịp này, 8 tập thể đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 56 tập thể và 29 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND TP vì có những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền vận động người dân dùng hàng Việt; có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam (đối với các doanh nghiệp).

Vì vậy, đồng chí kêu gọi các DN tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, sản xuất ra “hàng Việt Nam chất lượng cao”, giá cả cạnh tranh và hướng đến thị trường quốc tế.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu chính quyền các cấp cùng các cơ quan liên quan phải vào cuộc quyết liệt hơn trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng gian, hàng giả. Cùng đó là sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các DN.

Tiếp tục khẳng định ý nghĩa của cuộc vận động, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, các cấp, các ngành của TPHCM tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng tốt". Đây là cuộc "tập trận" quan trọng để đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.

Đồng chí cũng dẫn chứng kinh nghiệm các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… thực hiện. Họ thông qua thị trường trong nước để hoàn thiện sản phẩm và đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế. "Quy mô sản xuất tăng thì giá cả hàng hóa thấp, sản xuất nhiều thì có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm ", Bí thư Thành ủy TPHCM phân tích và khẳng định, đây là bài học kinh nghiệm quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động bày tỏ vui mừng vì cuộc vận động tại TPHCM được triển khai đồng bộ, toàn diện và thu được nhiều kết quả.

“Cuộc vận động có tác động tích cực đến toàn TPHCM. Sau 10 năm thực hiện đã thu hút đông đảo cộng đồng DN tham gia, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế”, đồng chí Hầu A Lềnh nhận xét.

Đặc biệt, qua cuộc vận động, 100% hàng hóa thuộc 4 nhóm hàng lương thực, thực phẩm cùng các mặt hàng phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường đều là hàng sản xuất trong nước. Đây thật sự là mô hình tiêu biểu của cả nước.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà TPHCM gặp phải trong thời gian qua nhưng đồng chí Hầu A Lềnh cũng tin tưởng, TPHCM sẽ chủ động, sáng tạo tiếp tục triển khai cuộc vận động đạt nhiều kết quả trong thời gian tới. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mong muốn các DN của TPHCM chú trọng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và phân phối ra các tỉnh thành và quốc tế. Đặc biệt, đồng chí cũng mong muốn người dân THCM tiếp tục hưởng ướng cuộc vận động, trong đó nhân dân TPHCM là địa phương đi đầu trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục