Vẫn cứ là đường vòng

Một công thức dường như đã trở thành luật bất thành văn, muốn ra rạp và chiếu thương mại, hầu hết các phim tài liệu Việt phải trải qua giai đoạn hoặc chu du các liên hoan phim (LHP) quốc tế, hoặc “nín thở” chờ đợi. Nghịch lý ở chỗ, các phim đã phát hành rộng rãi đều có chất lượng tốt, được khán giả đón nhận và thậm chí, có doanh thu cao.

Hoàn thành năm 2015 sau 3 năm thực hiện và phải đợi đến cuối năm 2018, tức là gần 4 năm sau mới chính thức được ra mắt khán giả trong nước, Finding Phong (Đi tìm Phong) đã trải qua một hành trình rất dài. Và trong thời gian “bao giờ cho đến tháng 10”, phim đã theo chân bộ đôi đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus chu du qua gần 30 LHP quốc tế lớn nhỏ khắp các châu lục, có nhiều giải thưởng đáng mơ ước. Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh - người đã lần thứ 2 nhận làm “bà đỡ” cho một phim tài liệu được chiếu thương mại ở rạp, cảm thán: “Tại sao những bộ phim như thế này cứ phải chạy vạy khắp nơi trong khi khán giả Việt Nam không được xem? Tại sao một bộ phim của một đạo diễn Việt Nam, lại là nữ không được chiếu ở Việt Nam trước?”. Đó cũng là câu hỏi tương tự mà một bộ phim khác, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đã đặt ra. Sau 4 năm, nó vẫn vẹn nguyên giá trị và có thể, sẽ còn tiếp diễn ở nhiều năm về sau.

Để Đi tìm Phong có suất chiếu chính thức đầu tiên, nhưng cũng chỉ dành cho hơn 200 khán giả - một con số còn quá khiêm tốn, Trần Phương Thảo gặp Hồng Ánh từ mấy năm về trước. “Bà đỡ” mát tay này thừa nhận mình đơn độc trên con đường này. Chị không muốn bất cứ nhà làm phim nào khi có ý định giới thiệu bộ phim tài liệu độc lập lại nhớ đến mình. Đó không phải sự thoái thác. Nhưng, Hồng Ánh cũng tin trong bối cảnh thị trường hiện nay họ không có sự lựa chọn khác bởi khi đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết cho tác phẩm của mình, ai cũng muốn nó được trình làng. Chị cũng không đổ lỗi cho các nhà phát hành lớn vì họ cũng có rất nhiều khó khăn để đưa ra quyết định.

Phim tài liệu là thể loại đặc thù của bộ môn nghệ thuật thứ 7 và hàng năm vẫn được sản xuất đều đặn. Tuy nhiên, về mặt phát hành, đa phần các phim vẫn chỉ dừng lại ở việc lên sóng các kênh truyền hình chính thống, tham gia một số giải thưởng ở lĩnh vực phim ảnh. Khi các nhà làm phim độc lập bắt đầu quan tâm và dấn thân vào mảng này, phạm vi đề tài mở rộng và gần gũi hơn, câu chuyện phát hành thương mại bắt đầu được đặt ra. Cũng giống như thể loại hoạt hình, mặc dù thị trường điện ảnh Việt bùng nổ trong vài năm trở lại đây nhưng thể loại này vẫn thực sự là mảnh đất khó. Để sản xuất một phim tài liệu độc lập đã khó, phát hành rộng rãi còn khó hơn gấp bội. Hầu hết các nhà phát hành lớn trong nước chưa thực sự mặn mà với thể loại này và chưa tạo được thói quen, coi một phim tài liệu cũng như một phim truyện điện ảnh.

Trong cái ảm đạm khi số lượng phim tài liệu phát hành thương mại chưa nhiều nhưng với các tác phẩm đã ra rạp trong những năm qua, không làm khán giả thất vọng. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã tạo nên kỷ lục, là một cột mốc trong lịch sử phát hành phim tài liệu Việt Nam và làm được điều xưa nay hiếm, không một phim tài liệu Việt nào từng làm được. Sau đó một năm, Lửa Thiện Nhân khi ra mắt, dù không đình đám bằng nhưng cũng nhận được những lời khen nức nở trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. 1.000 ngày làm phim của đạo diễn Đặng Hồng Giang đã thu về những trái ngọt xứng đáng. Chuyện ngày hôm qua về rocker Trần Lập cũng để lại nhiều cảm xúc nơi khán giả. Đầu năm 2018, Bước chân an lạc sau thời gian dài chờ cấp phép, dù lặng lẽ ra mắt nhưng cũng để lại nhiều triết lý nhân bản.

Có 2 điều Đi tìm Phong đã làm được, vượt qua ranh giới của chính tác phẩm. Đầu tiên, nó giúp truyền đi thông điệp về sự chia sẻ, thừa nhận dành cho người chuyển giới. Thứ hai, nó giúp xóa mờ đi thành kiến cố hữu về sự nặng nề của một bộ phim thuộc thể loại tài liệu, nhất là ở những đề tài nhạy cảm. Mỗi tác phẩm điện ảnh nói chung thường gửi gắm thông điệp nhất định và rất mong nhận được sự đồng cảm, hiểu đúng và sẻ chia của người xem chứ chưa đề cập đến việc khiến họ thay đổi quan điểm, định kiến. Nhưng, các phim tài liệu đã ra rạp, phần đông đã làm được điều đó. Khán giả của phim tài liệu Việt đã được trao niềm tin ấy.

Đi tìm Phong hiện vẫn đang trong quá trình thương thuyết với các nhà phát hành để phim có thêm các suất chiếu. Chính khán giả sẽ nối dài những vòng tay và lan rộng ra các thông điệp ý nghĩa tác phẩm. Hành trình ấy nói riêng và của nhiều phim tài liệu khác nói chung chắc chắn sẽ không bằng phẳng, đôi khi đơn độc nhưng chưa khi nào người trong cuộc mất đi niềm tin. Điều những nhà làm phim tài liệu độc lập trì chí theo con đường đã chọn là mong một ngày, tác phẩm của họ sẽ đường hoàng ra rạp chiếu để phục vụ đông đảo khán giả, thay vì phải đi đường vòng. Con đường ấy, tin rằng còn xa nhưng không phải là đường cùng.

Tin cùng chuyên mục