Ưu tiên nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từng bị chia tách

Chiều 12-3, với tỷ lệ tán thành lên tới 100% số thành viên có mặt đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021. 
Ưu tiên nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từng bị chia tách

Nghị quyết hướng tới mục tiêu tổ chức hợp lý các ĐVHC các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; đảm bảo thể chế về ĐVHC; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nghị quyết vừa được thông qua gồm 3 chương và 18 điều, quy định về đối tượng áp dụng; căn cứ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; tiêu chuẩn của ĐVHC cấp huyện, cấp xã; áp dụng tiêu chuẩn về số ĐVHC trực thuộc của ĐVHC cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị khi thực hiện sắp xếp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Có 6 nguyên tắc khi thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết này. Cụ thể, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, bảo đảm công khai, dân chủ; quá trình sắp xếp phải bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; gắn việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; ưu tiên nhập một hoặc một số ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn vào ĐVHC cùng cấp liền kề đã từng được chia tách trước kia hoặc ĐVHC có tương đồng về điều kiện địa lý - tự nhiên, phong tục, tập quán, lối sống cộng đồng dân cư…

Trong một số trường hợp, tùy tình hình, điều kiện cụ thể có thể điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện, cấp xã để nhập vào ĐVHC cùng cấp liền kề chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng các ĐVHC sau khi sáp nhập, điều chỉnh phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã phải chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Do sự cấp thiết của việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã cơ bản thực hiện xong trong năm 2019, Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và được thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021. Đến năm 2021, Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong các giai đoạn tiếp theo.

Cũng trong phiên họp chiều 12-3, UBTVQH đã quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. 100% thành viên tham gia biểu quyết đồng ý.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thị xã Mỹ Hào được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 79,36 km2 diện tích tự nhiên, dân số 158.673 người và 13 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trực thuộc của huyện Mỹ Hào. Thành lập 7 phường thuộc thị xã Mỹ Hào trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Bần Yên Nhân và 6 xã trực thuộc của huyện Mỹ Hào.

“Việc thành lập thị xã Mỹ Hào và 7 phường thuộc thị xã Mỹ Hào không làm tăng số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hưng Yên”, người đứng đầu Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Về việc thành lập thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, ông Lê Vĩnh Tân cho biết, thị trấn Vĩnh Viễn được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 40,72 km2 diện tích tự nhiên và 11.142 người của xã Vĩnh Viễn. Sau khi thành lập thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính, chỉ thay đổi từ xã Vĩnh Viễn thành thị trấn Vĩnh Viễn.

Khẳng định việc thành lập thị trấn Vĩnh Viễn bảo đảm các điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đạt 4/4 tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 9 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết thêm, hồ sơ, thủ tục thành lập thị trấn Vĩnh Viễn đã đáp ứng đầy đủ theo quy định (có 99,8% cử tri đồng ý, kết quả lấy ý kiến cử tri đã được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ). Đề án được HĐND các cấp tán thành về chủ trương và 25/25 thành viên Chính phủ đồng ý thông qua.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 212/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đến năm 2030. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới bao gồm: hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; các công trình giáo dục, hành chính; các khu chức năng khác với tổng kinh phí đầu tư là 1.303 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục