Ươm mầm xanh cho tương lai

Phát triển mô hình “Trường học xanh” được xem là nền tảng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng bền vững nhất. Trên thực tế, trải qua nhiều năm thực hiện, mô hình trên đã đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình từ rất nhiều trường học, góp phần lan tỏa lối sống xanh đến nhiều thế hệ học sinh, sinh viên… 

Cổng trường em xanh - sạch - đẹp

Nhiều năm qua, Sở TN-MT và Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường dành cho các em học sinh trên địa bàn thành phố. Trong đó, phong trào xây dựng “Trường học xanh” đã mang lại nhiều hiệu quả về bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về nội dung này, đại diện Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận 1) cho biết nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền cho thầy cô giáo, học sinh. Cụ thể, đã tập huấn cho thầy cô về tiết kiệm điện - nước, đưa giáo dục bảo vệ môi trường lồng ghép vào các bài học.

Đối với học sinh, trường luôn đẩy mạnh công tác giáo dục trẻ không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh trong lớp, khuyến khích trẻ sáng tạo, làm đồ chơi từ các vật liệu đã qua sử dụng.

Trong khi đó, đội ngũ giáo viên học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè) lại có những nghiên cứu, sáng kiến chế tạo bột lau nhà giá rẻ từ các nguyên liệu thiên nhiên (vỏ bưởi, lá trà xanh, củ sả, bồ kết). Sản phẩm có thể làm sạch bụi, diệt khuẩn, đuổi ruồi, muỗi và đặc biệt rất an toàn cho sức khỏe, không độc hại với môi trường.

Ươm mầm xanh cho tương lai ảnh 1 Học sinh vẽ tranh tuyên truyền các giải pháp bảo vệ môi trường 

Cô Phan Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non 1 (quận 10), cho rằng việc truyền thông, giáo dục lớp trẻ, đặc biệt với những trẻ mầm non, là hết sức quan trọng.

“Ở độ tuổi này, các em như tờ giấy trắng, chúng tôi đã tạo cho trẻ một môi trường học tập và sinh hoạt, vui chơi an toàn, sạch sẽ. Bên cạnh đó, rèn cho trẻ kỹ năng quan sát, cảm nhận về môi trường, thông qua các hành động cụ thể như phát động phong trào làm đồ chơi, đồ dùng dạy học từ nguyên vật liệu tái sử dụng (nắp chai nước suối, lõi giấy vệ sinh, ống hút…); hướng dẫn, tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông. Thông qua các hoạt động này giúp các em có ý thức hơn về bảo vệ môi trường. Nhiều em về nhà còn hướng dẫn người thân trong gia đình cách bảo vệ môi trường”, cô Liên cho biết. 

Nhân rộng “Trường học xanh”

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố, công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các sở ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là các tầng lớp xã hội, góp phần tạo chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường, giảm đáng kể các điểm ô nhiễm do rác thải trên toàn địa bàn thành phố. 

Đây là một điều đáng mừng, đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các trường học cần đi đầu trong triển khai công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông; hình thành ý thức, thói quen bảo vệ môi trường cho các em học sinh, sinh viên, thiếu nhi thành phố.

Được định hướng một cách đúng đắn, các em học sinh không chỉ là những hạt nhân bảo vệ môi trường mà còn đóng vai trò những tuyên truyền viên tích cực, tác động đến các thành viên khác trong gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh. 

Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh và sinh viên là vô cùng quan trọng. Các em chính là chủ nhân tương lai của đất nước.

Do vậy, việc ươm mầm cho các em những tư tưởng, lối sống thân thiện với môi trường ngay từ khi còn nhỏ sẽ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sau này. 

Để thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, thầy cô trong việc bảo vệ môi trường, Sở GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chống rác thải nhựa; khuyến khích căn tin trường học không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa.

Đồng thời triển khai thực hiện xây dựng nhà trường “Trường học không rác”; “Cổng trường em sạch - đẹp - an toàn”; “Học sinh không xả rác”... Đặc biệt, năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT sẽ đưa vào chỉ tiêu thi đua, kiểm tra thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường, kênh rạch vì thành phố sạch, giảm ngập nước”; cũng như các hoạt động giáo dục, truyền thông về bảo vệ môi trường tại 8 phòng giáo dục quận huyện; 20 trường trung học phổ thông (công lập và ngoài công lập).

Sở TN-MT và Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức đánh giá và quyết định khen thưởng 28 trường đạt kết quả xuất sắc; khen tặng 9 cá nhân và 10 tập thể đã có đóng góp tích cực cho công tác giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học giai đoạn 2016-2018.

Trong thời gian tới, 2 sở sẽ tiếp tục rà soát các tài liệu truyền thông cần cập nhật, bổ sung; tổng kết, đánh giá kết quả triển khai công tác bảo vệ môi trường trong trường học giai đoạn 2016-2020; tiếp tục phát huy, nhân rộng kết quả đã đạt được của việc phát động các trường trên địa bàn thành phố triển khai các giải pháp tổng hợp về bảo vệ môi trường theo bộ tiêu chí “Trường học xanh”.

Tin cùng chuyên mục