Ứng xử với thất bại

Trước năm 2018, khái niệm về việc tham dự Asian Cup, giải vô địch bóng đá châu Á là điều gì đó tương đối mơ hồ ở Việt Nam. Chiến tích vượt qua vòng bảng ở kỳ Asian Cup 2007 ít khi được nhắc đến, đơn giản vì nhiều người vẫn nghĩ đó là cuộc dạo chơi có tính nhất thời trên tư cách là 1 trong 4 quốc gia đăng cai. Ngay cả việc giành vé dự Asian Cup 2019 cũng có phần may mắn, bởi ở thời điểm cuối năm 2017, đội tuyển Việt Nam đá các trận vòng loại trong bối cảnh đang tìm kiếm HLV trưởng sau thất bại của đội U.22 tại SEA Games.
 
Nhắc lại một chút quá khứ để thấy rằng, trước đây chúng ta nghĩ về Asian Cup bằng sự yếm thế, có khi còn coi đó là gánh nặng mỗi lần tham gia vòng loại. Trọng tâm của bóng đá Việt Nam chỉ quẩn quanh chiếc HCV SEA Games và sự ganh đua với Thái Lan ở vài trận đối đầu. Giờ thì sao? Chúng ta mang cảm giác nuối tiếc vì để thua trong một trận đấu có thể thắng trước một cựu vô địch châu Á với nhiều cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu như Iraq. Đó là sự đổi thay vô cùng lớn về vị thế mà bóng đá Việt Nam đang có. Vì lẽ đó, tâm thế khi đón nhận các kết quả thi đấu cũng phải khác. 

Vậy nhưng việc sa đà phân tích các lỗi cá nhân hoặc chuyện đúng sai về chiến thuật trong thất bại đầu tiên đã cho thấy chúng ta có vô vàn cách để ăn mừng chiến thắng nhưng lại hạn hẹp, thậm chí tủn mủn trong cách ứng xử với thất bại. Chúng ta quên nhìn lại những gì đã xảy ra trước đó, chỉ tập trung vào vài phút cuối trận đấu. Chúng ta chỉ nhớ đến việc mình “đánh rơi” 1 điểm nhưng lại quên rằng trận thua đó đem lại nhiều hơn những thứ bị mất đi.

Bóng đá cũng như thể thao đỉnh cao nói chung, để tiến thêm một bước về đẳng cấp thì việc đầu tiên phải làm đó là đối diện với những thất bại. Một VĐV điền kinh muốn chạy nhanh hơn, nhảy cao hơn, xa hơn thì cần phải đối đầu với những đối thủ có thành tích tốt hơn mình. Những con số trong tập luyện không giống với lúc thi đấu. Thất bại ở cuộc đua này không có nghĩa là sẽ thua luôn ở cuộc đua kế tiếp, và ngược lại. Muốn có nhiều chiến thắng, tốt nhất là cứ thi đấu với những đối thủ yếu hơn mình, nhưng nếu muốn vươn lên đẳng cấp cao hơn, vượt qua các giới hạn bản thân, phải học cách chấp nhận thất bại. 

Rất tiếc là một bộ phận người hâm mộ, lẫn giới truyền thông, vẫn cứ sa đà vào việc phân tích những thiếu sót ở trận thua Iraq. Việc đó không làm thay đổi được kết quả. Cũng đâu có ai chắc, nếu không để thua tình huống đó thì chúng ta cũng sẽ thua ở một tình huống khác?! Những phân tích theo kiểu này mang tâm lý yếm thế của những người cứ thích đặt số phận mình vào sự may rủi. Đó hoàn toàn không phải là trận đấu cuối cùng, của một Asian Cup cuối cùng mà bóng đá Việt Nam tham dự?!

Trong khi đó, nếu cho rằng bóng đá Việt Nam đã vượt qua tầm Đông Nam Á thì phải tin rằng việc dự Asian Cup là mục tiêu luôn có thể thực hiện. Hết kỳ Asian Cup này, phải tính đến kỳ kế tiếp. Thua trận này, phải tính ngay đến trận sau. Hạn chế sai sót, không để đối phương ghi bàn đâu quan trọng bằng việc buộc họ phải thi đấu theo ý mình, tìm cách để ghi nhiều bàn hơn và chiến thắng. 

Nếu đã chọn con đường chinh phục đỉnh cao châu lục thì phải biết ứng xử với thất bại. Thay vì mổ xẻ một tình huống cụ thể, hãy tìm ra lý do tại sao đối phương có thể ghi thêm 1 bàn còn ta thì không biết cách để bảo vệ 1 điểm dù đã dẫn trước đến 2 lần. Nếu nhìn thất bại ở góc độ của một trận đấu thì sẽ có bài học cho sự tập trung và kiểm soát thế trận khi gặp đối thủ tương tự. Ngược lại, chỉ nhìn vào một tình huống thì chẳng khác nào chúng ta tin mình chỉ đủ khả năng cầm hòa thay vì có thể thắng đối phương.

Xét cho cùng, thất bại trước Iraq, hoặc có thể là trước Iran trong trận đấu hôm nay, chỉ nói lên một điều quan trọng: họ là những đội bóng mạnh hơn chúng ta và những thất bại kiểu như vậy sẽ thường xảy ra trong thời gian tới. Quan tâm quá nhiều đến một trận thua chỉ khiến chúng ta ảo tưởng vào năng lực bản thân. Phải quên nhanh những thất bại, rút ngay những bài học kinh nghiệm, khắc chế các điểm yếu đã lộ ra. Trong bất kỳ cuộc hành trình lên đỉnh nào cũng vậy, không thể leo cao nếu cứ gặp trở ngại đã vội quay đầu nhìn lại phía sau.

Tin cùng chuyên mục