Ứng dụng GIS trên nhiều lĩnh vực

Để góp phần xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin địa lý (GIS) làm nền tảng cho các ứng dụng liên quan đã được Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM (HCMGIS) phát triển và ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực…

Công nghệ vượt trội

GIS là công nghệ kết hợp nhiều loại hình công nghệ (đồ họa trên máy tính, bản đồ trợ giúp bằng máy tính, viễn thám...). Đặc biệt, với khả năng phân tích nên GIS được coi như công cụ trợ giúp đắc lực và hiện đang được ứng dụng trong nhiều bộ ngành ở các lĩnh vực.

Chính vì vậy, xây dựng và chuyển giao ứng dụng GIS cho các sở ngành và quận huyện là nhiệm vụ quan trọng, giúp phát triển trên các lĩnh vực: quản lý đô thị, kinh tế - văn hóa - xã hội, quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp; cấp phép kinh doanh, quy hoạch thương mại, quy hoạch ngành xăng dầu, quản lý dân cư, quản lý di sản văn hóa - y tế - giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch camera an ninh, quản lý tài nguyên - môi trường và biến đổi khí hậu, quản lý đất đai, động vật hoang dã, lâm sản, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất hoa kiểng, quản lý thu gom rác thải, các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm…
Ứng dụng GIS trên nhiều lĩnh vực ảnh 1 Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS

Sự hiện diện của GIS giúp chính quyền quận huyện thuận lợi và hiệu quả trong quản lý. Điển hình là Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS và triển khai tại 24 quận huyện cùng 322 phường xã. Hay bộ công cụ hỗ trợ cấp phép một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và quảng bá du lịch cấp quận huyện được xây dựng và triển khai tại các quận 4, 6, Bình Tân…

Theo ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS, giai đoạn 2017-2018, HCMGIS đã nghiên cứu bộ chuẩn mở quốc tế, quản lý quy trình nghiệp vụ và áp dụng thử nghiệm cho các thủ tục hành chính tại phường xã và Sở KH-CN; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện và đào tạo, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng bộ công cụ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cấp phường xã và quận huyện trên địa bàn TPHCM; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tiềm lực KH-CN đối với các tổ chức KH-CN, doanh nghiệp KH-CN; triển khai xây dựng ứng dụng GIS hỗ trợ quản lý nhân khẩu cấp quận huyện; xây dựng ứng dụng GIS hỗ trợ quản lý du lịch trên địa bàn các quận 4, 6, 10…

Chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu GIS dùng chung

Đến nay, Sở KH-CN TPHCM đã thu thập cơ sở dữ liệu GIS nền, CSDL GIS chuyên đề, ảnh viễn thám và dữ liệu LiDAR. Đây là các cơ sở dữ liệu GIS dùng chung được chuẩn hóa theo hệ tọa độ VN-2000, bao gồm 80 lớp thuộc 26 chuyên đề của 5/7 nhóm lớp được xây dựng và cập nhật từ năm 2010 - 2017. Dữ liệu nguồn ảnh viễn thám được thu thập vào các năm 2008 - 2011; dữ liệu ranh, thửa thuộc nhóm tài nguyên - môi trường được ban hành từ năm 2005…

Với chương trình HCMGIS được phê duyệt, cơ sở dữ liệu GIS dùng chung của TPHCM đang được tiếp tục thu thập hoàn chỉnh và cập nhật định kỳ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu dùng chung và thúc đẩy quá trình cung cấp, tích hợp cơ sở dữ liệu không gian địa lý của các sở ngành và quận huyện.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thời gian qua sở đã chỉ đạo HCMGIS tiếp tục nghiên cứu, làm chủ công nghệ GIS và các ngành liên quan; trong đó đẩy mạnh nghiên cứu các nền tảng công nghệ mã nguồn mở được sử dụng rộng rãi trên thế giới, chuyển giao công nghệ cho các sở ngành và quận huyện triển khai ứng dụng GIS vào thực tế một cách hiệu quả, tuân thủ các tiêu chuẩn mở phổ biến cũng như các quy chuẩn của nhà nước, bộ ngành liên quan.

Đến nay, HCMGIS đã nghiên cứu tiếp cận các chuẩn công nghệ phục vụ ứng dụng trên di động, website theo hướng dịch vụ trao đổi và xử lý dữ liệu không gian.

Bên cạnh đó, một số công nghệ lõi được nghiên cứu và đề xuất sử dụng trong hệ thống HCMGIS bao gồm: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu (PostgreSQL, MySQL); phần mềm xây dựng, cập nhật, biên tập dữ liệu GIS (QGIS, gvSIG); hệ thống công bố và trình diễn dữ liệu GIS và viễn thám (GeoServer, GeoNode, LeafletJS, MapboxJS); các nền tảng về công nghệ WebGIS nguồn mở; các công cụ tổng hợp, phân tích, thống kê và tìm kiếm dữ liệu…

Tin cùng chuyên mục