Ứng dụng di động tiện ích

Một ứng dụng về phúc lợi xã hội trên điện thoại thông minh sẽ giúp công nhân (CN) tiếp cận nhiều thông tin thiết thực. Phần mềm do nhóm nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Đức Lộc xây dựng tích hợp nhiều thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống và việc làm của CN, như nhà trọ, địa điểm mua sắm…
Ứng dụng di động tiện ích
Chị Phạm Mai Hoa, chủ cửa hàng mua - bán, sửa chữa điện thoại di động tại KCN Bình Đường (tỉnh Bình Dương), cho biết CN ngày càng ưa chuộng những loại điện thoại thông minh với giá cả phù hợp thu nhập của họ. CN sử dụng nhiều tính năng chat, truy cập facebook, zalo, xem phim, nghe nhạc trên điện thoại. Tuy vậy, phần đông CN không biết nhiều về những ứng dụng tiện ích khác cài đặt trong chiếc điện thoại thông minh như ứng dụng tìm đường, ví điện tử hay đặt vé máy bay… 
Chị Tô Thị Mẫn (CN ở KCX Linh Trung 1, TPHCM) cho biết, từ khi có điện thoại thông minh, chị và bạn bè thường mua hàng trên facebook, liên lạc với gia đình qua zalo. “Nhiều khi chúng tôi lập nhóm chat trên facebook để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin giá nhà trọ, gửi trẻ, thực phẩm. Dù vậy, những thông tin chúng tôi biết cũng như thu thập qua cách này rất hạn chế”, chị Mẫn phản ánh. 
Đến nay, ở nhiều KCX-KCN, ngay cả những CN trẻ cũng dùng cách truyền thống tìm kiếm thông tin như truyền miệng, đọc tờ rơi, thông báo trong công ty. Anh Phạm Quốc Việt, CN Công ty Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung 1), cho hay nếu muốn tìm nơi gửi con, vợ chồng anh thường hỏi bạn bè cùng xóm trọ hay đồng nghiệp trong công ty. Hoặc cần biết về lương, thưởng, pháp luật… cũng chủ yếu xem ở bảng thông báo của công đoàn. 
Một nghiên cứu về phúc lợi xã hội cho thanh niên CN cũng chỉ rõ, những cơ sở phúc lợi phục vụ CN thường ở xa nơi họ làm việc và sinh sống. Trong khi, những dịch vụ (quán xá, bán vé tàu, xe, máy bay, chợ…) do tư nhân cung cấp xuất hiện ngày một nhiều ở những khu vực tập trung đông CN. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, một bộ phận CN trẻ bắt đầu khai thác mạng xã hội để tìm công việc làm thêm, như bán hàng, tư vấn online. 
“Với ứng dụng về phúc lợi xã hội, người lao động sẽ tiếp cận nhiều thông tin thiết thực”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về phúc lợi xã hội cho thanh niên CN, nhận định. Từ đó, ý tưởng xây dựng ứng dụng công nghệ tập hợp nhiều địa điểm phúc lợi, vui chơi giải trí, học tập, nhà trọ, việc làm, trợ giúp pháp lý… dành cho CN ra đời. 
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết, ứng dụng sẽ chạy trên nền tảng định vị GPS. Nhóm nghiên cứu sẽ thiết lập giả định không gian xã hội trên mạng. Cá nhân truy cập ứng dụng có thể hỏi đáp nhanh; người đưa ra câu hỏi và người khác có kinh nghiệm sẽ trả lời. Chính CN sẽ trao đổi với nhau về những bài học từ chỗ làm, chăm sóc sức khỏe, pháp luật lao động. Cơ quan, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan cũng trực tiếp tư vấn trên ứng dụng. Bên cạnh việc thu thập dữ liệu đưa lên ứng dụng, nhóm nghiên cứu khuyến khích CN tương tác và đóng góp thông tin. Thông qua ứng dụng, nhiều CN có thể chia sẻ kinh nghiệm trong nhiều khía cạnh, lĩnh vực. Ví dụ, CN có thể đánh giá chất lượng nhà trọ thông qua chấm điểm trên hệ thống. Như vậy, ngoài phản ánh chất lượng nhà trọ, thang điểm còn tạo áp lực đối với chủ nhà trọ nếu số điểm quá thấp. Ngoài ra, khi tạo tài khoản cá nhân trên ứng dụng, CN có thể đăng thông tin tìm kiếm việc làm thời vụ, bán hàng online…
Hiện ứng dụng đang chạy thử trên nền tảng địa chỉ website: ican.com.vn. Đến tháng 11-2017, nhóm nghiên cứu bắt đầu triển khai ứng dụng ở điện thoại thông minh. PGS-TS Nguyễn Đức Lộc khuyến khích CN dùng thử và nếu thấy có lợi ích, họ sẽ tự giới thiệu, truyền nhau trong công ty, khu trọ.
Công nhân sử dụng wifi miễn phí
Công ty CP Phát triển truyền thông và công nghệ Việt Nam (Vinatech) cho biết, từ nay đến tháng 6-2019, công ty tiếp tục triển khai dịch vụ wifi miễn phí đến khoảng 100.000 công nhân (CN) ở tất cả khu lưu trú, nhà trọ trên địa bàn TPHCM.
Ông Võ Văn Khang, Tổng Giám đốc Vinatech, cho biết các điểm truy cập wifi sẽ được lắp đặt tới từng khu nhà trọ tập trung đông CN. Mỗi điểm phục vụ trung bình 10 người truy cập cùng lúc nhằm tối ưu hóa sự tiện dụng và chất lượng dịch vụ internet đến người sử dụng. 
TPHCM hiện có 13 KCX-KCN với gần 500.000 CN. Trong đó, hơn 70% CN đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cùng Vinatech đã đưa vào hoạt động dịch vụ wifi miễn phí phục vụ 10.000 CN tại các KCX- CN, khu lưu trú ở quận 7, Thủ Đức.
DI LÂM

Tin cùng chuyên mục