UNESCO cải cách tổ chức từ Mosul

Gần 1 năm sau khi Mỹ và Israel thông báo rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), Tổng Giám đốc tổ chức này - bà Audrey Azoulay, đang nỗ lực định hình lại các nguyên tắc cơ bản của tổ chức. 

Trong đó, lấy việc tái thiết Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, làm trọng tâm, nhằm khôi phục uy tín của UNESCO, cũng như chứng tỏ khả năng phục hồi trật tự đa phương vốn đang bị xáo trộn.

UNESCO cải cách tổ chức từ Mosul ảnh 1 Đền thờ Grand al-Nuri, khu di tích lịch sử nổi tiếng tồn tại suốt 8 thế kỷ qua, đã bị IS phá hủy 
Mỗi năm, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này. Tuy nhiên, tháng 10-2017, cả Mỹ và Israel đều thông báo rút khỏi UNESCO với lý do, tổ chức này “duy trì thành kiến chống Israel”. Động thái trên làm dấy lên mối lo ngại về nguồn ngân quỹ của tổ chức được thành lập sau Thế chiến thứ 2. Mỹ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO kể từ ngày 31-12-2018.
Trên thực tế, dù UNESCO không vì Mỹ và Israel rút khỏi mà bị tê liệt, song cũng không thể phủ nhận thách thức đối với tổ chức này, đó là phải cải cách tổ chức và điều chỉnh định hướng hoạt động. Mosul là nơi UNESCO bắt đầu tự nhìn nhận lại mình, tự cải tổ, điều chỉnh định hướng hoạt động cho thích hợp với bối cảnh tình hình mới và khả năng tài chính mới.
Phát biểu ngày 10-9 trước thềm hội nghị về tái thiết TP Mosul tại thủ đô Paris, Pháp, bà Azoulay cho biết, mục tiêu và tính chất của sáng kiến trên cho thấy rõ lý do một tổ chức như UNESCO đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh một số nước hoài nghi về chủ nghĩa đa phương.
Bằng cách hợp tác với Chính phủ Iraq, UNESCO muốn trở thành bên điều phối nhằm khôi phục một số nét đặc trưng của TP Mosul - có nhiều di sản kiến trúc lâu năm, bị phá hủy trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. UNESCO cũng muốn áp dụng các chương trình mang tính giáo dục, nhằm chống chủ nghĩa cực đoan. Hiện UNESCO đang đẩy nhanh kế hoạch tái thiết khu chợ, thư viện trung tâm, 2 nhà thờ và 1 thánh đường tại Mosul. Trong đó, dự án lớn nhất được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tài trợ 50 triệu USD là khôi phục đền thờ Hồi giáo Grand al-Nuri và tòa tháp nổi tiếng Hadba của đền thờ này bị IS phá hủy tháng 6-2017. UNESCO cho biết, dự án quốc tế này sẽ cần ít nhất 5 năm triển khai, trong đó 1 năm đầu thực hiện các công tác dọn dẹp, làm sạch khu vực. Dự án cũng bao gồm các hạng mục: khôi phục những khu vườn cổ của Mosul, xây dựng một bảo tàng và đài tưởng niệm. Theo ước tính của Chính phủ Iraq, cần viện trợ ít nhất 2 tỷ USD mới có thể xây dựng lại TP Mosul.
Ngày 9-6-2014, IS tấn công Mosul, phá hủy hoàn toàn nhà thờ Al-Qubba Husseiniya của TP Mosul bằng thuốc nổ; đập phá nhiều bức tượng cổ 3.000 năm tại bảo tàng Ninawa; phá hủy đền thờ al-Nuri, một trong những địa điểm tâm linh quan trọng của Iraq và là nơi thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi từng tuyên bố thành lập nhà nước riêng ở Iraq. Tháng 7-2014, ngôi mộ của nhà tiên tri Jonah ở TP Mosul - một biểu tượng của tín ngưỡng tôn giáo tại Iraq, cũng bị IS phá hủy. Tháng 3-2015, sau khi giành uyền kiểm soát TP Mosul, IS tiếp tục có những hành động phá hoại các di tích cổ. Lần này, bảo tàng Mosul - nơi lưu giữ những bức tượng cổ đã không tránh khỏi sự tàn phá.

Tin cùng chuyên mục