Tuyển sinh ngành Hải dương học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Ngành Hải dương học trong năm 2019 tuyển 80 chỉ tiêu và các tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, B00, D07. Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên các kiến thức tổng quát và chuyên sâu về các quy trình vật lý trong đại dương, khí quyển và lục địa.

- Nhiều thí sinh muốn biết ngành Hải dương học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) tuyển sinh như thế nào, khi ra trường cơ hội việc làm ra sao? 

- Thạc sĩ PHÙNG QUÁN, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Ngành Hải dương học trong năm 2019 tuyển 80 chỉ tiêu và các tổ hợp xét tuyển gồm A00, A01, B00, D07. Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên các kiến thức tổng quát và chuyên sâu về các quy trình vật lý trong đại dương, khí quyển và lục địa.

Trong đó, chuyên ngành Hải dương học trang bị cho sinh viên kiến thức về vật lý, động lực học, sinh địa hóa, viễn thám, kỹ thuật kinh tế, quản lý và khai thác biển, đặc biệt là các quá trình ở vùng ven bờ, vùng cửa sông - biển; Khí tượng học trang bị kiến thức về vật lý, nhiệt động lực học, động lực học của khí quyển và của hệ thống khí hậu, các kỹ thuật dự báo trong ngành khí tượng, biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống dân sinh, kinh tế Việt Nam; Thủy văn học cung cấp các kiến thức cơ bản liên quan đến chu trình nước, thủy triều ở sông và biển, các quá trình khác của thủy văn lục địa.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2016, đến cuối thế kỷ 21, nếu nước biển dâng 100cm, khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL sẽ bị ngập. Tương tự, với 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng; 17,8% diện tích TPHCM.

Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây của Đại học Utrecht (Hà Lan), kết hợp yếu tố nước biển dâng với tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm, dự báo rằng gần như toàn bộ vùng ĐBSCL sẽ bị chìm dưới mặt nước vào khoảng năm 2100.

Do đó, đối với sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này, hiện nay cơ hội việc làm được mở rộng hơn trước. Ngoài công việc ở các cơ quan chuyên môn như viện, các sở khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường, trung tâm khí tượng… thì các doanh nghiệp cũng đang rất cần.

Bất kỳ doanh nghiệp nào đầu tư bền vững mà có liên quan đến biển, đến thời tiết, khí hậu, đều cần nhân sự riêng có chuyên môn về ngành này để phục vụ sản xuất.

Tin cùng chuyên mục