Tuyển sinh đại học năm 2019: Vì sao các trường “ém” thông tin tuyển sinh?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đại học phải công khai đầy đủ thông tin trong đề án tuyển sinh năm 2019 gồm phương án xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh 2 năm liền kề, học phí, cơ sở vật chất.

Tuy nhiên, thực tế các trường lại giấu nhiều thông tin liên quan đến học phí, kết quả tuyển sinh trong 2 năm liền kề, cơ sở vật chất; thậm chí có trường còn thông tin sai…

Tuyển sinh đại học năm 2019: Vì sao các trường “ém” thông tin tuyển sinh? ảnh 1 Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Y Dược TPHCM
Công khai không đúng  

Thực tế, văn hóa công khai được thực thi từ năm 2009 khi Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện “3 công khai” - cam kết chất lượng giáo dục (chương trình đào tạo, số lượng sinh viên thực tế…), điều kiện đảm bảo chất lượng (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất), thu chi tài chính (học phí cụ thể, học bổng, các nguồn thu khác) - để thí sinh nắm rõ trước khi đăng ký vào trường. Tuy nhiên cho đến nay, dù năm nào trong các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải công khai, nhưng gần như các trường không thực hiện. Hiện cả nước có đến 235 đại học, trường đại học và viện (chưa kể các trường khối an ninh, quốc phòng) nhưng số trường công khai đầy đủ thông tin trong đề án tuyển sinh dường như không có. 

Một trong những thông tin mà các trường “ém” nhiều nhất đó là thông tin tuyển sinh 2 năm liền kề trước đó, thậm chí còn báo cáo không đúng. Theo thông tin tuyển sinh năm 2019 trên website của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, trường chỉ thông tin các nội dung như phương thức xét tuyển, chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển…, còn thông tin kết quả tuyển sinh năm 2017, 2018 đều không có. Về mức học phí cho hệ đại trà và hệ chất lượng cao, dù trường công bố rõ lộ trình tăng từ năm 2020 đến 2023 cho từng tín chỉ, từng năm, nhưng không hề thông tin chương trình học có bao nhiêu tín chỉ. 

Thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM trên website của trường cũng rất ít và thiếu hẳn những thông tin về học phí, tổng số tín chỉ, kết quả tuyển sinh 2 năm liền kề. Trong khi đó, thông tin tuyển sinh của trường này trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT lại có mức học phí trên mỗi tín chỉ, tăng theo từng năm theo Nghị định 86 (quy định về mức học phí). 

Còn thông tin công khai về tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ TPHCM khiến nhiều người đặt nghi vấn trường không dám công khai đúng vì “sợ” lộ việc tuyển vượt chỉ tiêu. Trên website của trường thông báo năm 2019 tuyển 5.850 chỉ tiêu hệ đại học chính quy; trước đó, năm 2018 tổng chỉ tiêu hơn 5.000, năm 2017 tổng chỉ tiêu là 5.280. Tuy nhiên, trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, những thông tin về tuyển sinh, trúng tuyển năm 2017 và 2018 của trường này hoàn toàn khác hẳn. Cụ thể, trường báo cáo: năm 2017 tổng chỉ tiêu là 2.032, trúng tuyển 1.865; năm 2018 tổng chỉ tiêu là 2.032, trúng tuyển 1.809.   

Trong khi đó, một vấn đề mà thí sinh rất khó hiểu là hiện nay các trường đều đào tạo theo học chế tín chỉ và học phí cũng tính theo số tín chỉ mà sinh viên phải học. Tuy nhiên, các trường lại công bố mức học phí theo học kỳ, theo năm học nên thí sinh rất mơ hồ với cách công khai mức học phí theo tháng, năm của các trường. 

Không thể chấp nhận được

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: “Công khai minh bạch và minh chứng, giải trình là một trong những yêu cầu bắt buộc của công tác kiểm định và đánh giá chất lượng. Nếu trường nào báo cáo nội dung nào mà không minh chứng, giải trình được thì sẽ bị đánh rớt nội dung đó. Những trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng thì nhất thiết phải xây dựng văn hóa công khai minh bạch”. 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, việc công khai thể hiện giữa việc nói và làm của các cơ sở đào tạo với xã hội, với người học. Với xu thế tự chủ, việc công khai và minh bạch thông tin lại càng quan trọng. Kiểu công khai nửa vời như hiện nay đi ngược lại với chủ trương đổi mới và cho thấy sự buông lỏng quản lý nhà nước của ngành chức năng. Càng tự chủ thì càng phải chịu trách nhiệm giải trình, ít nhất là phải công khai minh bạch về tài chính, đội ngũ và điều kiện đảm bảo chất lượng. Việc các cơ sở đào tạo không chịu công khai, công khai không trung thực theo yêu cầu quản lý nhà nước mà vẫn đạt yêu cầu kiểm định chất lượng là không thể chấp nhận được.

Lý giải hiện tượng một số trường cung cấp thông tin không đầy đủ, hoặc cung cấp nhưng để ở nhiều chỗ khác nhau gây khó khăn cho việc tham khảo thông tin từ phía người học, Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho rằng có thể do bộ phận cập nhật thông tin “quên”. Ngoài ra, cũng có những đơn vị có nhiều thay đổi trong chương trình đào tạo, chính sách học phí nên “ngại” công bố. Vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để khi các trường được kiểm định. Bởi lẽ, khi kiểm định thì yếu tố công khai minh bạch được đặt lên hàng đầu và các trường không công bố công khai sẽ khó đạt, nên buộc các trường phải làm.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để có thông tin đầy đủ, chính xác của các đại học, học viện trong kỳ tuyển sinh chính quy năm 2019 phục vụ công tác xây dựng phần mềm xét tuyển, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc chọn trường và ngành đào tạo đăng ký xét tuyển, yêu cầu các trường rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh chính quy đại học năm 2019.

Các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh, chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án; cung cấp đầy đủ các thông tin về trường, ngành đào tạo; điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của trường (cơ sở vật chất, giảng viên, hợp tác với doanh nghiệp, việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...); các thông tin về tuyển sinh của cơ sở đào tạo (kết quả tuyển sinh của 2 năm liền trước năm tuyển sinh để tham khảo, các thông tin cụ thể của năm tuyển sinh)...

Tin cùng chuyên mục