Từ vụ trộn tạp chất cà phê “pin” vào hồ tiêu: Quản lý chặt sản xuất nông sản

Liên quan đến vụ cà phê trộn lõi pin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 5 đối tượng trong đường dây chế biến, tiêu thụ tạp chất cà phê nhuộm than pin trộn vào hồ tiêu để làm rõ.
Người dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thu hoạch tiêu
Người dân huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thu hoạch tiêu

Sự việc có tính cá biệt nhưng rất nghiêm trọng, không chỉ làm hoang mang dư luận trong nước mà ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh nông sản Việt trên thế giới.

Chỉ là cá biệt, kịp thời ngăn chặn 

Sự việc nghiêm trọng đến mức Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) phải ra thông cáo báo chí lên án hành động vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. VPA cho rằng, sự việc là cá biệt và mới xảy ra, kịp thời bị phát hiện và ngăn chặn. Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA, cách thức sản xuất, chế biến mặt hàng hồ tiêu hiện nay cho thấy các loại hỗn hợp giả, pha trộn như vậy khó có thể lọt qua được hệ thống kiểm soát với thiết bị hiện đại cũng như hệ thống quản lý kiểm soát chất lượng tiên tiến của doanh nghiệp xuất khẩu, đó là chưa nói đến các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Hơn 20 nhà máy chế biến hồ tiêu sạch đạt chuẩn quốc tế về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP, ISO 22000, Halal, ISO 9001:2008, Certified BRC-food… đã được các doanh nghiệp đầu tư. Với hệ thống quản lý và thiết bị như vậy, tạp chất chứa những chất như bột pin, sỏi đá nhanh chóng bị phát hiện và loại bỏ. Nhưng là ngành hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới về sản lượng và giá trị trong nhiều năm, được xuất khẩu trên 100 quốc gia, sự việc đã ảnh hưởng tới thương mại và hình ảnh của ngành hồ tiêu Việt Nam. 

Từ năm 2011, báo chí đã phanh phui, lên án tình trạng chế biến và kinh doanh cà phê - bắp, cà phê - đậu nành, thậm chí cà phê từ hương liệu công nghiệp, chất phụ gia. Nhiều cơ sở chế biến cà phê kém chất lượng, pha tạp chất bị phát hiện không chỉ ở Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu... mà ngay cả thủ phủ cà phê là TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông), năm 2017, 15 mẫu cà phê bột lấy tại 4 huyện, thị xã trong tỉnh để phân tích hàm lượng caffeine. Kết quả, 14/15 mẫu cà phê bột không đạt so với tiêu chuẩn công bố chất lượng của cơ sở và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 5251:2015); trong đó, 11/15 mẫu hàm lượng caffeine chỉ từ 0,06% đến 0,38% và 3/15 mẫu là 0% caffeine. Phải chăng vì mức xử phạt không đủ răn đe, không kiểm soát được nên những thương hiệu cà phê uy tín trong và ngoài nước tại Việt Nam đã phải nhập khẩu cà phê rang xay từ các nước về chế biến nhằm đảm bảo chất lượng, giữ nguyên hương vị, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới, riêng cà phê Robusta là số 1. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), lượng cà phê rang xay nhập khẩu gia tăng từng năm. Niên vụ 2015 - 2016, trong 640.000 bao cà phê Việt Nam nhập khẩu về chế biến tiêu dùng trong nước có 340.000 bao là cà phê rang xay, trong khi cùng năm đó Việt Nam xuất khẩu 550.000 bao cà phê rang xay. Niên vụ 2016 - 2017, trong 2,5 triệu bao cà phê rang xay tiêu thụ trong nước có 1 triệu bao cà phê các loại (cả cà phê rang xay) nhập khẩu.

Phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến xuất nhập khẩu Việt Nam 2018 do Cục Xúc tiến thương mại vừa tổ chức, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, vụ việc không chỉ gây bàn tán xôn xao, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu. Đó là hành vi bôi bẩn hình ảnh nông sản Việt Nam, là cái cớ để các nước cạnh tranh xuất khẩu có dịp bêu xấu và các nước nhập khẩu tẩy chay sản phẩm Việt Nam.

Tăng cường kiểm tra, xử lý 

Bộ NN-PNTN cho rằng, hành động này dù chỉ là cá biệt, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín những mặt hàng nông sản này; làm mất lòng tin khi ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng trong nước. Cần xử lý nghiêm, không để tình trạng này xảy ra. Việc ngăn chặn các sản phẩm bẩn trong nước cũng chính là cách để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu. Xúc tiến thương mại không chỉ là tìm kiếm thị trường mà còn là việc gìn giữ hình ảnh, chất lượng và uy tín sản phẩm.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện chưa có quy chuẩn nào đối với cà phê rang xay nên việc quản lý gặp khó khăn. Không ít trường hợp cà phê bị trộn thêm tạp chất nhưng vẫn là bao bì nguyên chất như trường hợp tỉnh Đắk Nông đã phát hiện. Đúng ra doanh nghiệp phải tự công bố chất lượng, nhãn mác, khi nhà nước hậu kiểm không đúng theo chuẩn thì sẽ phạt nặng vì liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Có thể nói, việc quản lý đối với cà phê thành phẩm, các quy chuẩn bắt buộc với cà phê rang xay đang bị bỏ ngỏ. Vicofa không ít lần kiến nghị sớm ban hành quy chuẩn đối với cà phê rang xay. Sau nhiều năm Bộ Y tế xây dựng dự thảo, mới đây vấn đề này được chuyển sang Bộ NN-PTNT. Như vậy, bộ quy chuẩn đang được soạn thảo nên chưa thể sớm ban hành thời gian tới.

Về mặt quản lý nhà nước, nhân sự việc này, VPA kiến nghị cơ quan quản lý thị trường các địa phương tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát và xử lý mạnh với các cơ sở thu mua nông sản ở các địa phương, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, các chợ truyền thống, nơi hồ tiêu có thể được bán cho người tiêu dùng trong nước. Hiện nay, hồ tiêu bán trong nước, nếu qua hệ thống phân phối như các siêu thị thì rủi ro chất lượng kém sẽ ít hơn do các siêu thị yêu cầu hồ sơ chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn vào hệ thống phân phối của họ khá nghiêm ngặt và hạt tiêu bán tại đây đều là của doanh nghiệp có nhà máy xử lý, chế biến hiện đại, có hồ sơ truy suất nguồn gốc, có thông tin về chất lượng trên bao bì rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục