Tự vệ trước tranh giả

Các họa sĩ Ngô Đồng, Hứa Thanh Bình, Lâm Thanh cùng chia sẻ, với phương tiện công nghệ hiện đại như hiện nay, không quá khó để các nhà sưu tầm tìm hiểu thông tin về họa sĩ, tác phẩm mà mình yêu thích.

Phố tranh chép trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM Ảnh: TH. D.
Phố tranh chép trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM Ảnh: TH. D.
“Tốt nhất các nhà sưu tập nên gặp và trao đổi trực tiếp với họa sĩ để tìm hiểu thêm về thị trường tranh nghệ thuật, tác phẩm của họ. Các nhà sưu tập cũng có thể tìm đến các phòng tranh uy tín để biết thêm thông tin, hạn chế qua các tay cò trung gian để phòng rủi ro, tránh việc mất tiền nhiều mà mua phải tranh giả, tranh nhái”, họa sĩ Ngô Đồng nhắn nhủ. 
Sự cố “Những bức tranh trở về từ châu Âu” đã xảy ra gần 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa làm giới mỹ thuật lặng sóng. Mấy ngày gần đây, giới mỹ thuật lại một phen rúng động khi trang web xuongtranh.vn rầm rộ chào mời tranh, đưa hàng loạt tranh từ trong nước đến quốc tế tiếp thị công khai. Trong đó, tranh của nhiều họa sĩ trong nước bị nhái một cách ngang nhiên, bị sao chép trắng trợn. Một lần nữa, người ta lại đặt ra câu hỏi, làm sao để các nghệ sĩ, họa sĩ bảo vệ được đứa con tinh thần của mình? 
Loạn tranh giả, tranh nhái 
Xuongtranh.vn quảng cáo được thành lập từ năm 1985, thường xuyên giới thiệu những tác phẩm mới nhất (từ tranh phong cảnh, đời sống đến tranh phong thủy) và nắm bắt xu hướng nghệ thuật toàn cầu. Ở đây, khá bất ngờ khi để sở hữu những tác phẩm được cho là “được duyệt bởi hội đồng nghệ thuật”, khách hàng chỉ việc chọn tranh và gút giá. Từ họa sĩ trong nước đến các tên tuổi quốc tế, tranh ở đây có giá từ vài trăm ngàn đồng đến 5-7 triệu đồng. Chỉ vài ngày sau, tác phẩm có thể được trao đến tận nhà tùy theo thỏa thuận. Sự việc vở lỡ khi nhiều họa sĩ trong nước phát hiện hàng loạt tác phẩm của họ bị nhái, sao chép trắng trợn. Để tránh búa rìu dư luận, hiện tại trang web này chỉ còn để tên, các hạng mục đều ở chế độ trống hoặc chưa có dữ liệu cập nhật.
Tất nhiên kèm theo đó là lời xin lỗi rất khó chấp nhận: “Do chưa tìm hiểu kỹ về ngành, chúng tôi đã up lên website những tác phẩm sao chép của một số họa sĩ Việt Nam. Sau khi nhận được phản hồi của các họa sĩ, chúng tôi đã tìm hiểu lại và nhận thấy công việc của mình là sai. Vì vậy, dự án xuongtranh.vn sẽ tạm ngừng hoạt động và tìm hướng đi mới”…
Đây không phải là lần đầu tiên các họa sĩ trong nước bị làm tranh giả, bị sao chép tranh, tuy nhiên tranh bị sao chép, bị làm giả mà được đưa lên chào mời công khai, quảng cáo “có bài có bản” như thế này thì quả là hết chỗ nói!
Họa sĩ Ngô Đồng bức xúc: “Trước hết đó là một việc làm bậy bạ, không thể chấp nhận. Hành vi của họ đã vi phạm pháp luật khi ngang nhiên sao chép và bán tranh của các tác giả Việt Nam mà không xin phép. Thứ hai, đây là một hành động lừa đảo đối với người mua tranh, khiến họ phải chi tiền thật ra mua một món đồ giả, không có giá trị. Thứ ba, nói sâu xa hơn, đây là hành động phá hoại nền mỹ thuật đang manh nha và phát triển lành mạnh trở lại ở Việt Nam. Cần phải lên án mạnh mẽ”. 
Sự kiện khác xảy ra cách đây vài tháng mà các họa sĩ Hà Nội vẫn còn nhắc nhớ. Một nhà sưu tập có lẽ tay nghề còn khá “non” nên đã dính bẫy một nhóm cò tranh khi ngỏ ý tìm kiếm các tác phẩm của một tên tuổi hiện đại khá nổi tiếng hiện nay là họa sĩ Phạm An Hải. Trả giá cho bài học của mình, nhà sưu tập nọ đã phải mất đến vài trăm triệu đồng cho các tác phẩm chỉ là tranh giả, tranh nhái. 
Cũng là một trong những nạn nhân của nạn tranh giả, tranh nhái, cách đây mấy ngày, họa sĩ Lâm Thanh ngậm ngùi chia sẻ câu chuyện của mình. Đầu tháng 3, anh có giới thiệu trên trang facebook cá nhân vài tác phẩm sẽ tham gia triển lãm nhóm Sóng Hồng Art tại Hà Nội, trong đó có bức tranh lụa “Cô Xuân”, 41cm x 61cm mà anh vừa sáng tác đầu năm 2018. Thấy tranh đẹp, vài người bạn của anh hỏi giá và anh trả lời 2.500 USD. Đến khi anh mang tranh từ TPHCM ra Hà Nội để triển lãm thì một đứa cháu báo tin, một bức tranh giống y chang “Cô Xuân” được một nghệ sĩ nổi tiếng vừa mua cách đó vài ngày với giá… 14.000 USD.
Lâm Thanh tá hỏa cho hay: “Tranh của tôi mới sáng tác, còn chưa kịp cho vào khung, chưa trưng bày triển lãm thì bán thế nào được? Vậy chắc chắn nhà sưu tập nọ đã mua phải tranh giả rồi. Đã vậy, tội ở chỗ lại còn mua với giá cao nữa, vì bức tranh gốc tôi vẫn còn giữ ở đây”. Giống như Lâm Thanh, họa sĩ Đặng Tiến đã phải thốt lên: “Tranh của tôi vẫn còn giữ ở đây mà người ta đã rao trên mạng và còn hạ giá tranh nữa”. 
Tự thân vận động là chính
Họa sĩ Phạm Kiên bức xúc: “Nghệ sĩ chúng tôi đã kêu rất nhiều mà các nhà quản lý chuyên môn, truyền thông vẫn còn quá lơ là. Những việc tưởng chừng là nhỏ này đã gây nên hệ quả rất lớn: một thị trường tranh lộn xộn, thiếu minh bạch, mà ảnh hưởng nặng nề nhất là sức sáng tạo nghệ thuật cho xã hội, là cuộc sống của giới họa sĩ, là thị trường mỹ thuật. Các nhà quản lý nếu không sớm vào cuộc, nền mỹ thuật Việt Nam sẽ đi tới đâu, công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam sẽ còn phải mòn mỏi mua những đồ ăn sẵn rẻ tiền, không có chút giá trị nghệ thuật đến bao giờ? Tôi nghĩ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam và các tỉnh thành cần nghiêm túc nhìn nhận một phần trách nhiệm và sớm tham mưu giúp cho các đơn vị chức năng quản lý văn hóa vào cuộc”. 
Tự vệ trước tranh giả ảnh 1 Một tiệm chép tranh trên đường Trần Phú, quận 5, TPHCM. Ảnh: AN DUNG
Vấn nạn tranh giả, tranh nhái ở Việt Nam thực ra không phải mới xuất hiện mà đã có từ nhiều năm trước. Hậu quả nặng nề mà câu chuyện này để lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện tại, một khi các nhà sưu tập quốc tế tỏ ra ngán ngại, thậm chí quay lưng thờ ơ với tranh Việt Nam. Các họa sĩ là nạn nhân của câu chuyện thì khóc ròng, loay hoay chẳng biết cách nào để tự bảo vệ mình. Giải pháp trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật đã được nhiều lần đưa ra trong các hội nghị, hội thảo, nhưng đến nay hầu như không có hướng tiến triển. Cho nên mãi đến giờ, vẫn chưa có giải pháp nào gọi là khả thi, ngoài các họa sĩ tự thân vận động, tự bảo vệ đứa con tinh thần của mình. 
Nói về câu chuyện Trung tâm Bảo vệ tác quyền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ: “Thật ra hơn 10 năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã từng thành lập một trung tâm thế này. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, trung tâm hoạt động cầm chừng, không có người lui tới nên sau đó buộc phải đóng cửa. Bây giờ, muốn thành lập trung tâm trở lại, cá nhân tôi nghĩ là rất khó mà duy trì, từ yếu tố nguồn nhân lực đủ uy tín kinh nghiệm, phương thức hoạt động cho đến kinh phí duy trì hoạt động”.
Ông Trần Khánh Chương cũng nói thêm, ở các nước bạn, không phải nơi nào cũng có trung tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật, phần lớn do các nhà đấu giá nghệ thuật tự tìm hiểu, tự thuê chuyên gia giỏi, uy tín và nhiều kinh nghiệm để thẩm định tác phẩm. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, một số họa sĩ trẻ thường chọn liên kết với phòng tranh để quảng bá tác phẩm của mình. Bên cạnh kênh phòng tranh với vai trò cầu nối, với các họa sĩ đã có tên tuổi và kinh nghiệm, tranh của họ thường được bán ra đúng với công sức làm việc và giá trị nghệ thuật tác phẩm, phần lớn tác phẩm của họ không bán trôi nổi mà đều do họ tự quản lý.

Tin cùng chuyên mục