Từ ngày 18-4, TPHCM triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày 28-3, Công an TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư tại thành phố. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, đến dự và chỉ đạo. 
Người dân đến làm CMND tại Công an TPHCM. Ảnh tư liệu
Người dân đến làm CMND tại Công an TPHCM. Ảnh tư liệu
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo thực hiện đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư tại TPHCM (Ban chỉ đạo 896) được thành lập do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban. 
Từ ngày 18-4, TPHCM triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ảnh 1 Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Theo Công an TPHCM, từ ngày 18-4, thành phố sẽ triển khai tổng rà soát, thu thập thông tin dân cư. Hình thức thu thập thông tin là phát phiếu theo mẫu chung của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Bộ Công an. Đối tượng thu thập là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng như công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động tại nước ngoài. Thông tin thu thập gồm: họ tên, ngày - tháng - năm sinh, giới tính, nơi khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số định danh cá nhân hoặc CMND… Việc thu thập thông tin dân cư được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố và sẽ hoàn tất vào ngày 18-10, sau đó các thông tin cơ bản nhất sẽ được chuẩn hóa, số hóa, quản lý và lưu trữ bằng hạ tầng thông tin. Mỗi người sẽ được cấp một mã số định danh thay thế cho các giấy tờ liên quan đến thân nhân… 
Theo thống kê, TPHCM hiện có hơn 10 triệu nhân khẩu, trong đó có hơn 1 triệu hộ dân với hơn 6 triệu nhân khẩu được thể hiện trên hồ sơ và 1 triệu hộ dân với hơn 3 triệu nhân khẩu tạm trú.
Mỗi ngày thành phố tiếp nhận 500.000 lượt người cư trú, một lượng lớn người nước ngoài tạm trú. Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế, số nhân khẩu ở TPHCM còn cao hơn nhiều. Bên cạnh những tác động tích cực (nguồn lao động dồi dào…), việc dân số cơ học ở thành phố tăng nhanh và không kiểm soát hết sẽ dễ phát sinh hệ lụy tiêu cực, khó giám sát tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động…  
Đại tá Lê Văn Bích, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an TPHCM cho biết, để việc rà soát, thu thập thông tin dân cư diễn ra thuận tiện, nhanh chóng và đặc biệt phải chuẩn xác, hiện nay đơn vị đang tập trung tổ chức tập huấn cho công an các quận huyện, phường - xã - thị trấn.  Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tình trạng tăng dân số cơ học ở thành phố đang diễn ra với tốc độ rất nhanh gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước; tại nhiều địa phương, tội phạm, tệ nạn phát sinh… Do đó, việc thành lập Ban chỉ đạo 896 về thu thập dữ liệu dân cư là rất cần thiết. Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện, phường xã ngay lúc này phải làm tốt công tác chuẩn bị, nghiêm túc trong quá trình triển khai thu thập thông tin. Đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định, việc thu thập thông tin dân cư, số hóa dữ liệu không chỉ góp phần làm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân cư mà còn thúc đẩy sự phát triển cho thành phố, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang tập trung xây dựng đô thị thông minh.  Để xây dựng CSDL hiệu quả, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị chủ tịch UBND các quận huyện cần phải hoạch định rõ từng công việc, nhiệm vụ phải làm từ việc khảo sát vị trí lắp đặt đường truyền đến việc phải tuyên truyền cách nào để người dân hiểu, cùng tham gia.
“Phải hướng dẫn tuyên truyền cho người dân hiểu rõ rằng, việc thu thập dữ liệu để cán bộ, nhà nước phục vụ người dân tốt hơn, tránh để người dân phản ứng, kê khai không trung thực” - đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý.
 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các sở ngành, quận huyện, phường xã phải thu thập dữ liệu dân cư đối với công dân thường trú và cả tạm trú, cập nhật đầy đủ về kho dữ liệu dùng chung của TP, không thu thập thông tin nhiều lần gây mất thời gian, tốn công sức, kinh phí; Sở Ngoại vụ cần TP hỗ trợ các cơ quan liên quan trong việc điều tra dữ liệu công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài.

Hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất Hà Nội

Ngày 28-3, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng UBND TP Hà Nội, Cục Địa chất Vương quốc Anh đã tổ chức hội thảo “Địa chất đô thị Hà Nội”.

Theo ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Hà Nội có lịch sử trên 1.000 năm tuổi, nhưng việc khai thác, sử dụng không gian lòng đất ở Hà Nội mới dừng ở mức độ sơ khai, chưa được tổ chức hợp lý, khoa học. Tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu xây dựng các công trình có quy mô lớn trên bề mặt cũng như các công trình ngầm dưới đất, trong khi nền địa chất luôn hiện hữu các nguy cơ về tai biến địa chất như: sụt lún, ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt, thoát khí độc... Điều đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian ngầm đô thị. Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Cục Địa chất Vương quốc Anh trong việc triển khai các đề án quản lý, khai thác dữ liệu địa chất và khoáng sản, địa chất đô thị để xây dựng một số dự án tại Việt Nam.

Ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ Hà Nội không chỉ trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất mà còn trong suốt lộ trình trở thành một thành phố thông minh.
ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục