Từ mùng 2 tết, siêu thị và chợ bán buôn trở lại

Các siêu thị, chợ bắt đầu hoạt động trở lại từ mùng 2 tết. Nhờ vậy, người tiêu dùng đã có thể mua sắm các nguyên liệu thức ăn tươi để nấu những bữa cơm sum họp gia đình.


Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hoạt động từ mùng 2 tết
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hoạt động từ mùng 2 tết

Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt, cá… bán tại nhiều siêu thị vẫn giữ giá ổn định so với trước tết, đó là nhờ các doanh nghiệp bán lẻ đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng cung ứng và cam kết với Sở Công thương TPHCM là không tăng giá đột biến. Những ngày đầu năm mới, người tiêu dùng mua sắm chủ yếu vẫn là những mặt hàng chế biến bữa cơm đầu năm như rau củ, quả, thịt, trứng gia cầm… 

Theo Sở Công thương TPHCM từ ngày 6-2 (tức mùng 2 tết), các siêu thị đã đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại. Đơn cử hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra… đã khai trương từ 8 giờ sáng mùng 2 tết và hoạt động đến 12 giờ trưa (đến mùng 5 tết). Từ mùng 6 tết, siêu thị hoạt động kinh doanh bình thường.

Cũng theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, dịp Tết 2019, nhờ có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng nên giá cả hàng hóa không tăng đột biến, không có hiện tượng găm hàng. Đặc biệt, các hệ thống siêu thị rất nỗ lực, tích cực tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo tính định hướng, dẫn dắt giá cả hàng hóa trên thị trường. 

Theo đó, ở các chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền cũng đã hoạt động trở lại từ đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 tết, tuy nhiên số lượng người bán vẫn còn ít, chỉ khoảng 30% số lượng tiểu thương buôn bán và lượng hàng về chợ chỉ vài trăm tấn/đêm. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết cũng như những năm trước, từ rạng sáng mùng 2 tết chợ đầu mối đã kinh doanh các mặt hàng nông thủy sản trở lại. So với ngày thường, lượng hàng về chợ không nhiều và giá cả khá ổn định. 

Tại các chợ trên địa bàn thành phố như chợ Thanh Đa, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh); chợ Hòa Hưng (quận 10); chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình)… cũng đã hoạt động trở lại từ sáng mùng 2 tết. Nhiều tiểu thương cho biết, do mới đầu năm nên các đơn vị cung cấp hàng chưa hoạt động trở lại, vì vậy mặt hàng buôn bán tại chợ chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu vốn đã được chuẩn bị trước tết. 

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vốn là quan niệm và tập tục lâu đời của người Việt trong tục đi chợ ngày đầu năm mới, nhằm mong muốn sự may mắn đến với gia đình trong năm mới. Quan niệm dân gian, muối ở đây thể hiện ý nghĩa tượng trưng là cầu mong các mối quan hệ gia đình đậm đà, vợ chồng hòa thuận, cha mẹ - con cái gắn bó, yêu thương. Vậy nên người đi chợ, nhất là những người lớn tuổi, khi đến chợ đầu năm, việc trước tiên là mua gói muối, sau đó mới mua nguyên liệu của những món ăn khác. Với phong tục ấy, những ngày đầu năm mới, muối bán rất đắt hàng. Dù vậy, các tiểu thương vẫn giữ giá muối bán lẻ như ngày thường. 

Chỉ riêng mặt hàng rau xanh, cá nước ngọt có mãi lực mạnh trong mấy ngày đầu năm, khi nhà nhà tăng cường nhiều rau tươi trong các bữa cơm để chống ngán vì bánh chưng, bánh tét, thịt kho. Ngoài mua tiêu dùng, người dân còn sắm sửa để làm mâm cơm cúng đưa ông bà. Bên cạnh đó, trong những ngày này, lượng hàng hóa về chợ vẫn còn hạn chế nên mặt hàng tiêu thụ mạnh ngày đầu năm có giá nhỉnh cao hơn so với ngày thường. Mặt hàng bán chạy là các loại cá nước ngọt như cá diêu hồng, cá lóc, cá hú; các loại rau củ tươi sống và gà ta. 

Mặc dù, tiểu thương các chợ vẫn chưa quay trở lại buôn bán đầy đủ nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng hàng ngày vẫn dễ dàng tìm mua ở các chợ, từ rau củ, đến thịt cá, ngay cả bún tươi… cũng khá phong phú. Đi chợ đầu năm, người bán, người mua đều vui vẻ; ngoài mua bán, mọi người còn dành cho nhau đôi lời chúc tết. 

Sức mua, những ngày đầu năm vẫn chưa nhiều, bởi người dân đã chuẩn bị sẵn thực phẩm từ trước và nhiều gia đình rời khỏi thành phố để về quê hoặc đi chơi xa trong mấy ngày nghỉ tết. Dù vậy, các chợ cũng đã nhóm họp trở lại để phục vụ cho nhu cầu mua sắm các loại thực phẩm tươi để tiêu dùng và nấu cỗ cúng đưa ông bà theo phong tục dân gian của người Việt ta. 30 tết làm mâm cỗ lễ rước ông bà về gia đình đón tết cùng con cháu 3 ngày tết và sau đó lại làm cỗ cúng đưa ông bà đi. Song song đó, các ngày tết nên anh em, bạn bè quây quần, các gia đình thường tổ chức ăn uống sum họp. Các món ăn lẩu, thịt, cá cuốn bánh tráng rau sống vốn dễ ăn nên thường được mọi người lựa chọn để bày biện nấu nướng. 

Những ngày tết, người dân chọn ăn uống tại nhà thay cho ra ngoài ăn ở hàng quán, bởi phần đông hàng quán cũng đóng cửa nghỉ bán, có quán thông báo nghỉ dài từ mùng 1 đến mùng 8 tết mới mở cửa hoạt động trở lại. Thêm vào đó, những ngày lễ tết thì các hàng quán lại tăng giá, bởi chi phí nhân công và nguyên liệu phải trả cao hơn ngày thường. Ăn uống tại nhà chỉ hơi vất vả nấu nướng rồi dọn dẹp nhưng vừa đầm ấm lại tiết kiệm và an toàn sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục