Từ góc nhìn của một giáo viên

Báo SGGP ngày 7-12 có bài Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, đã nêu thực trạng và giải pháp để môi trường học đường không còn những chuyện không vui. Tôi xin góp thêm ý kiến về vấn đề này ở góc nhìn của một giáo viên. 

Chúng ta thường không xa lạ chuyện học sinh cá biệt trong trường học. Các em này vốn dĩ hiếu động, ham chơi, nên thường “vắng học, không làm bài tập có tính hệ thống” hay “thường xuyên gây rối, đánh nhau”. Nhưng chuyện “thầy cô cá biệt”, “phụ huynh cá biệt” thì mới xuất hiện những năm gần đây.

Họ đang là số ít, nhưng tạo nên những đợt sóng lớn, khiến cộng đồng hoang mang. Hình tượng người thầy mà từ trước đến nay nhân dân ta vô cùng trân quý đã ít nhiều méo mó.

Một thầy hiệu trưởng liên quan đến tín dụng đen phải bỏ trốn; một giảng viên đại học lại dính díu đến chuyện lừa tình, lừa tiền; một thầy giáo dạy thể dục có biểu hiện dâm ô với trẻ…

Từ góc nhìn của một giáo viên ảnh 1 Hiệu trưởng và hiệu phó Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) tại buổi trao đổi với Báo SGGP trong vụ học sinh bị phạt 231 cái tát
Những chuyện đó phản ánh một thực tế: họ không chỉ yếu về nghiệp vụ chuyên môn, mà còn xói mòn tư cách đạo đức của một con người. Khi làm thầy giáo đứng trên bục giảng, họ không là thánh nhân, nhưng phải mô phạm từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử với trò. Nghề giáo vốn dĩ “nghèo” nhưng “sang” là ở đó.

Để trò nghe lời, thầy cô phải là những tấm gương. Gương có sáng thì ảnh chiếu vào mới rõ. Tiếc là tuy gương sáng không ít nhưng gương đục cũng không hiếm gặp.

Biết rằng ở đâu đó đang có những “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta vẫn có niềm tin vào thành quả, nền tảng của nền giáo dục nước nhà. Trên đấu trường trí tuệ quốc tế, lá cờ Việt Nam vẫn tung bay trong niềm tự hào dân tộc. Trình độ dân trí đã ngày một nâng cao. Tuy nhiên, sự xuống dốc về đạo đức trong trường học đã lộ rõ, mối quan hệ thiếu gắn kết, phối hợp nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường đang là khoảng trống khó lấp đầy. Các giải pháp đã đưa ra chỉ mang tính thời vụ, chống chế chứ chưa thực chất. Bệnh thành tích đang biến tướng và di căn.

Cũng dễ hiểu thôi khi đầu vào của ngành sư phạm đang ngày càng “chạm đáy”, nên khó đảm bảo chất lượng và đạo đức của một số thầy cô tương lai. Lương giáo viên thì “ba cọc ba đồng” nên tâm trí người đứng lớp ít nhiều phân tâm, tìm cách xoay xở.

Áp lực thi đua trong trường học khiến thầy trò phải gồng mình như những cỗ máy chỉ biết tiến chứ không được phép lùi. Trường có tiêu chí của trường, lớp có quy định riêng của lớp, từng giáo viên lại đặt ra những áp chế của bản thân.

“Luật bất thành văn”, tất cả vì mục tiêu “trường lớp tiên tiến xuất sắc”. Hư danh đó đang tạo nên những mảng màu trầm đục của giáo dục nước nhà. Từ mục tiêu “lấy học sinh làm trung tâm”, nhiều thầy cô phải buông xuôi bất lực trước sự quá trớn của không ít trò. Trò dần ý thức rằng “mình có đúng hay sai, thầy cô cũng không dám làm gì”.

Và nếu có bị làm gì thì phụ huynh đã là “hậu phương vững chắc”. Tình cảnh cô giáo quỳ gối trước phụ huynh và tập thể học sinh, đó là mặt trái của nền giáo dục chạy theo kiến thức mà không chú trọng đến dạy dỗ đạo đức, rèn luyện nhân cách. Khi viên phấn trắng gãy gục trên bục giảng thì hình tượng về người thầy trong mắt trẻ thơ còn đâu nữa sự thanh cao. 

“Bộ áo quần thầy đang mặc chắc gì đã bằng chiếc quần đùi của con tôi” - Giá trị của người thầy bị phụ huynh đó định giá bằng một cái quần vô duyên trong lớp học. Thầy giáo đã rất độ lượng khi chấp nhận lời xin lỗi. Bởi điều mà thầy quan tâm nhất là để “học sinh được ổn định tâm lý, mau chóng đi học bình thường”.

Có những cái cúi đầu khiến cho người ta trở nên tầm thường, nhưng cũng có những cái cúi đầu khiến họ trở nên vĩ đại. Giá mà ai cũng nghĩ được thấu đáo rằng “làm sao để con em mình, học trò mình có môi trường và tâm lý học thoải mái nhất”.

Tin cùng chuyên mục