Từ giảng đường bước ra cuộc sống

Theo số liệu của Bộ LĐTB-XH, Việt Nam đang có đến 471.000 người ở nhóm có trình độ, chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp. Thực tế cho thấy, các bạn trẻ nếu chỉ với kiến thức căn bản được đào tạo trên giảng đường thì chưa đủ làm hành trang để có thể có việc làm và thành công.
Những ngày đầu cô giáo Lê Minh Hiếu đứng lớp
Những ngày đầu cô giáo Lê Minh Hiếu đứng lớp
Bỡ ngỡ

Từ giã cuộc đời sinh viên để bước vào môi trường làm việc, do thiếu những kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và lô gích, nên khi mới đi làm các bạn trẻ khó đáp ứng được yêu cầu công việc, đa số đều rơi vào tình cảnh lóng ngóng, lạ lẫm. 

Bạn Hồng Cúc tâm sự về những áp lực thời mới đi làm ở Filmplus: “Mình làm phụ đề phim, cụ thể là biên tập lại câu cú, lỗi chính tả và viết lời giới thiệu cho phim. Đây là một công việc rất mới mẻ với mình, mới vào làm chưa quen, nên chậm hơn các thành viên trong nhóm, luôn cảm thấy rất căng thẳng. Thêm nữa, do chưa nắm được hết quy định của bên kiểm duyệt, sửa vẫn còn sót lỗi nên nhiều lần mình bị la”. Bạn Huỳnh Thị Tuyết Mai chia sẻ về những ngày đầu mới vào nghề: “Ra trường, tôi làm kế toán cho một công ty may mặc của người Hoa. Những kiến thức được trang bị ở trường bộc lộ ngay sự bất cập, phải học lại từ đầu, lúc nào cũng lo lắng sợ làm sai. Việc gì cũng phải đi hỏi các anh chị khác, nhiều khi phải tự mày mò, mệt lắm! Nhiều hôm, đến giờ nghỉ ăn trưa rồi mà vào số liệu chưa xong, tôi phải nhịn đói ráng làm luôn”.

Không chỉ thiếu kiến thức nghề nghiệp, các bạn trẻ còn thiếu cả kinh nghiệm xử lý công việc; nhiều bạn bị bối rối, khốn đốn vì gặp phải những tình huống khó xử. Bạn Nguyễn Thị Tiền, y tá mới ở Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Ngày đầu đi làm, tôi được phân công nhận bệnh nhân ngay. Do mới vào, chưa kịp nắm rõ quy trình làm việc của khoa nên tôi làm sai, bị la. Thêm vào đó, người nhà bệnh nhân thường xuyên hỏi tới tấp mà tôi thì chưa thạo việc, nhiều lúc không giúp được gì, thấy họ lộ vẻ khó chịu, tôi buồn lắm”. 

Cần vững các kỹ năng sống

Bạn Lê Minh Hiếu, giáo viên, kể: “Hồi mới đi dạy, mình đã gặp phải một số học sinh cứng đầu, nghịch ngợm. Nhận lớp đúng ngay đợt văn nghệ chào mừng 26-3, mình phải chọn bài hát, chọn đội hình, năn nỉ từng học sinh, hứa hẹn đủ điều các em mới chịu đi tập; đi tập thì cãi nhau chí chóe, khóc lóc bỏ về. Cô trò tập luyện mấy tuần liền, gần tới ngày hội diễn bỗng dưng một em không chịu lên diễn, còn ăn nói ngang ngược nữa. Mình chẳng biết làm sao, lo lắng đi hỏi các giáo viên đi trước xem có cách gì không, được sự tư vấn của họ, mình nhờ phụ huynh giúp, may mà cuối cùng em ấy cũng chịu lên sân khấu. Thế mới thấy không phải chỉ cần kiến thức, mà còn rất cần nắm vững các kỹ năng sống”.

Với tình cảnh bất cập, khó khăn, trắc trở, không ít bạn trẻ mới ra trường đã nản lòng, chán việc rồi bỏ làm, gia nhập đội quân thất nghiệp. Chỉ các bạn có ý thức phấn đấu, rèn luyện nâng trình độ chuyên môn và vững các kỹ năng mới trụ lại được và tiếp tục gắn bó với nghề. Y tá Nguyễn Thị Tiền tâm sự: “Cũng không phải chỉ gặp toàn chuyện mệt mỏi. Tuy công việc nhiều áp lực, lo lắng, nhưng nhiều lúc cũng vui. Các bệnh nhi khi đã quen mình rồi thì cứ chạy theo nói chuyện hoài, dễ thương lắm. Còn mẹ của bệnh nhi có bánh trái gì cũng đi kiếm tôi mời ăn, thật cảm động! Qua đó, tôi ngày càng cảm thấy yêu nghề”. Bạn Lê Minh Hiếu cũng vậy: “Làm giáo viên cực nhưng bù lại nhiều học trò rất đáng yêu, rất thương quý mình, nhờ vậy cảm thấy yêu nghề”.

Hầu hết mọi người khi mới vào nghề đều không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, va chạm. Có người có thể nhanh chóng hòa nhập, có người phải mất một khoảng thời gian khá lâu. Đừng vì những khó khăn ban đầu đó mà từ bỏ niềm đam mê của mình. Những kiến thức được trang bị ở giảng đường không thể bao quát hết mọi yêu cầu của công việc, do vậy ngay từ khi còn là sinh viên, rất cần chú trọng việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, rèn luyện các kỹ năng mềm; đến khi đi làm, hãy nhập cuộc với sự năng động, nhiệt thành phấn đấu rèn luyện.

Tin cùng chuyên mục