Tự chủ đại học - Liệu có đột phá?

Tự chủ đại học vẫn chậm
Tự chủ đại học - Liệu có đột phá?

Tại phiên họp Chính phủ tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã thông qua dự thảo Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT. Với việc Chính phủ nhất trí ban hành Nghị quyết về đề án này, từ nay vấn đề tự chủ của các trường đại học sẽ có bước đột phá lớn.

Thí sinh dự thi vào ĐH KH&TN tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Hóa. Ảnh: MAI HẢI

Tự chủ đại học vẫn chậm

Chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục đại học. Vừa qua, việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường đại học trên cũng đã thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường. Nhiều trường đại học khác cũng đã thực hiện tự chủ với kết quả tốt, đơn cử như Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện tự chủ hoàn toàn từ năm 2008. GS-TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, từ năm 2008, Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ nhận hỗ trợ lãi suất từ nhà nước 37,5 tỷ đồng nhưng đến nay trường đã tạo lập tổng tài sản lên tới 1.000 tỷ đồng. Chính cơ chế tự chủ đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng có được trên 1.000 cán bộ giảng dạy có chất lượng, tạo ra một tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 năm và sinh viên ra trường được thị trường lao động chào đón.

Tuy nhiên, chưa có nhiều trường đại học tự chủ thành công như Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Bộ GD-ĐT cho biết, dù Luật Giáo dục đại học đã giao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường vẫn còn rất dè dặt trong thực hiện quyền tự chủ, chưa thoát được tư duy bao cấp, do đó việc đổi mới ở các cơ sở giáo dục đại học còn chậm. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học chưa xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đó thực sự là một điều rất mâu thuẫn. Bởi lẽ, không ai khác chính các trường đại học là người lên tiếng đòi tự chủ mạnh mẽ nhất. Vì vậy mà Luật Giáo dục đại học đã ra đời với thuộc tính đặc biệt nhất chính là trao quyền tự chủ cho các trường. Thế nhưng, cho đến nay việc thực hiện tự chủ đại học vẫn rất chậm chạp.

Hoạt động như mô hình doanh nghiệp

Với Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường đại học mà Chính phủ vừa thông qua thì ngành giáo dục đang hy vọng đã tìm ra chìa khóa cho đổi mới giáo dục. Với đề án này, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường sẽ được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Học phí sẽ thực hiện theo chi phí trung bình tính đủ cho việc đào tạo một sinh viên đại học công lập nhưng nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo... Trước mắt, việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT (gồm các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Ngoại thương và Đại học Hà Nội), các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ GD-ĐT phê duyệt.

 

* Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngoài Nghị định 43 đang sửa đổi, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định, quyết định để giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, không chỉ đối với giáo dục đại học, mà cả trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu khoa học… Vì thế giai đoạn thí điểm cũng sẽ nhanh chóng được đánh giá tổng kết để thực hiện tự chủ cho toàn bộ các đơn vị. “Vấn đề là các cơ sở, đơn vị sẽ đón nhận và chuẩn bị như thế nào?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Đây thực sự là câu hỏi chung của những ai mong muốn giáo dục đại học chuyển mình sau khi có cơ chế này.

 

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về tự chủ đại học sẽ thực sự là một bước đột phá cho giáo dục đại học và đào tạo nguồn nhân lực vì việc tự chủ chính là đã làm đúng và tuân theo nguyên lý thị trường, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh để nâng cao chất lượng. “Không nên suy diễn việc vận hành nguyên lý thị trường là thương mại hóa giáo dục. Nhiều khi chúng ta vì thiên kiến nên cứ rụt rè dù đúng”, ông Trần Đình Thiên nêu quan điểm. Về phía các trường đại học, cùng với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, các trường Đại học Bách khoa, Ngoại thương, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM đều biểu thị sự ủng hộ đối với việc giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường. Điều mà các trường mong muốn hiện nay là ngay trong quá trình thí điểm, cần nghiên cứu để có các đề án về tự chủ đại học và đề án tài chính đại học để đại học Việt Nam thực sự tự chủ chứ không còn phải thí điểm.

GS-TS Lê Vinh Danh cũng nêu quan điểm về đầu tư xây dựng cơ bản đối với các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm: “Đối với những dự án đang dở dang thì nhà nước tiếp tục đầu tư, còn những dự án kế tiếp một khi trường đã tự chủ quyết định tài chính, nhân sự thì nhà nước không nên đầu tư nữa mà chỉ cần hỗ trợ lãi suất cho các trường vay vốn đầu tư”. Các trường cũng cho rằng, phải có cơ chế rõ ràng để trường đại học tự chủ về tài chính, tổ chức và nhân sự, đồng thời không nên quy định mức trần học phí. Ngoài ra, phải mở rộng quyền tự chủ về chuyên môn cho các trường, quy định rõ quy mô tuyển sinh khi tự chủ tài chính; thành lập các quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên với lãi suất ân hạn 6 năm; giao quyền quyết định cho hiệu trưởng trong chi lương theo năng suất lao động và không nên quy định hiệu trưởng làm theo nhiệm kỳ… Đặc biệt, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đề xuất phải có sớm Quỹ Phát triển giáo dục để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, bộ này đang chủ trì sửa đổi Nghị định 43 về quy chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó sẽ thay đổi cơ bản, tạo điều kiện cho các cơ sở công lập chuyển hẳn sang mô hình quản trị doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định Nghị quyết của Trung ương và kết luận của Bộ Chính trị đã cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường đại học được phép tham gia góp vốn, thực hiện cổ phần hóa và hoạt động như mô hình doanh nghiệp, do đó không có vướng mắc gì về mặt chủ trương, quan điểm.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục