Tự chủ đại học cần được luật hóa

Đến thời điểm này, thời hạn thí điểm tự chủ đại học (ĐH) theo tinh thần Nghị quyết 77 của Chính phủ đã sắp kết thúc (thực hiện từ năm 2015-2017). 
Sinh viên, giảng viên nước ngoài học tập tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng - một trong 23 trường được thí điểm tự chủ
Sinh viên, giảng viên nước ngoài học tập tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng - một trong 23 trường được thí điểm tự chủ
Để các trường thuận lợi trong việc lập kế hoạch phát triển dài hạn, đầu tư vào cơ sở vật chất và con người, rất cần có một nghị định về tự chủ mới thay thế cho Nghị quyết 77, để chính thức hóa mô hình tự chủ cho các trường ĐH. 
Ngân sách đầu tư sẽ hiệu quả 
Dự thảo nghị định về tự chủ ĐH (đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến để hoàn thiện) đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các trường, trong đó vấn đề tài chính được chú ý nhiều nhất. Trong dự thảo nêu khá rõ: Ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm cho cơ sở giáo dục ĐH sau khi chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính đến hết năm 2020. Mức hỗ trợ chi thường xuyên hàng năm ổn định bằng mức ngân sách cấp chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục ĐH trong năm trước liền kề năm chuyển sang cơ chế tự chủ. Cơ sở giáo dục ĐH đã chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trước thời điểm nghị định này ban hành (23 trường tự chủ theo Nghị quyết 77) được Nhà nước thí điểm cấp kinh phí theo cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ, giao kinh phí trong giai đoạn 2018-2020. Từ năm 2021, ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở giáo dục ĐH tự chủ theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định.  
Theo quy định trong dự thảo, các trường được quyết định quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành theo danh mục giáo dục đào tạo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của trường, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội. Các trường được tự quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp của trường và các nguồn hợp pháp khác do cơ sở mình tự huy động; thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư. Các trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển sang áp dụng cơ chế hạch toán như doanh nghiệp, được quyết định các dự án đầu tư từ nguồn vốn hợp pháp như quy định đối với doanh nghiệp... 
Tăng quyền lực hội đồng trường
Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, trong các trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 thì chỉ 14 trường có hội đồng trường (HĐT). Để đẩy mạnh việc thành lập cũng như tăng quyền lực cho tổ chức này, dự thảo đã đẩy mạnh việc quy định, tăng quyền lực của HĐT lên đáng kể so với điều lệ trường ĐH mà Bộ GD-ĐT đã ban hành năm 2014. Theo đó, HĐT là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường, là nơi ra quyết nghị các nội dung tự chủ mà nghị định này quy định. Trong trường ĐH tự chủ, HĐT có rất nhiều quyền hạn. Cụ thể, tổ chức này quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động nhà trường. Căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, HĐT trường giao cho hiệu trưởng được quyền quyết định một số nội dung cụ thể. 
Các trường cũng được quyết định thành lập các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo, theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản nhà nước, bù đắp chi phí và có tích lũy. 
Về nhân sự, các trường tự chủ được tự quyết định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý của đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, các trường được thực hiện quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định, trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức…
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phần lớn trường tự chủ (23 trường) đều chờ đợi sự hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý hoặc chỉ triển khai một cách cầm chừng; chưa ban hành quy định cụ thể về quyền của các trường ĐH trong việc xác lập quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm, nhưng lại quy định thực thi “theo quy định” các quyền tự chủ của trường ĐH. 

Tin cùng chuyên mục