Truyền thông, mạng xã hội, gia đình và xã hội đều có vai trò trong giảm thiểu bạo lực học đường

Nếu như 7-8 năm về trước, bạo lực học đường dường như không ai chú ý tới nhưng giờ đây, chỉ một sự việc nhỏ cũng có thể trở thành hiện tượng trong xã hội với tốc độ lan truyền rất nhanh...
Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề trong nhà trường mà còn là vấn đề xã hội.
Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề trong nhà trường mà còn là vấn đề xã hội.

Ngày 12-4, tại Hà Nội, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức tọa đàm “Bạo lực học đường: Nguyên nhân và giải pháp”.

Truyền thông, mạng xã hội, gia đình và xã hội đều có vai trò trong giảm thiểu bạo lực học đường ảnh 1
 Phát biểu đề dẫn, GS-TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhấn mạnh tọa đàm là cơ hội để cán bộ giảng viên, giáo viên, sinh viên lắng nghe ý kiến của các chuyên gia về giải pháp phòng chống bạo lực học đường, với cách tiếp cận khoa học và toàn diện. “Nếu như 7-8 năm về trước, bạo lực học đường dường như không ai chú ý tới nhưng giờ đây, chỉ một sự việc nhỏ cũng có thể trở thành hiện tượng trong xã hội với tốc độ lan truyền rất nhanh. Vì thế, trước mỗi sự việc, chúng ta cần bình tĩnh để có nhìn nhận khách quan, đánh giá thỏa đáng về thực trạng. Qua đó có thể kiểm soát và kiềm chế bạo lực học đường, để môi trường sư phạm ngày càng an toàn và lành mạnh”, GS Phạm Quang Trung nêu vấn đề.

Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà có ở nhiều nước trên thế giới và khá phổ biến. Cần có nhìn thấu đáo, mang tính chất toàn diện; không nên thổi phồng, cường điệu hóa sự việc nhưng chúng ta cũng không lạnh lùng với nó. “Cần có nhìn thấu đáo để có giải phải căn cơ, vừa trước mắt, vừa lâu dài để chấm dứt tình trạng này. Theo đó, truyền thông, mạng xã hội, gia đình và xã hội có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường”- GS Phạm Quang Trung nêu.

Các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đã nêu rõ thực trạng hiện nay về vấn đề bạo lực học đường. PGS-TS Trần Thị Minh Hằng – nguyên Chủ nhiệm khoa giáo dục, Trưởng phòng sau đại học (Học viện Quản lý giáo dục) nhận định: học sinh càng lớn thì tỷ lệ bạo lực càng nhiều, hình thức càng ngày càng nặng nề và có sự liên kết, với nhau để cùng đánh 1 người hoặc nhóm này đánh nhóm khác. Không chỉ có nam mà nữ học sinh cũng tham gia bạo học đường. Trong đó, khi nữ đã tham gia thì tính chất bạo lực có phần nặng nề hơn. Hậu quả là dẫn đến tổn thương cả tinh thần và thể chất. Các em có thể là gây hấn, đánh nhau, miệt thị và hành hung. Tất cả biểu hiện này đều gây thương tích cho người bị bạo lực.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường, các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân chính xuất phát từ bản thân mỗi học sinh, môi trường nhà trường và môi trường giáo dục của gia đình, xã hội. Vì vậy, để phòng chống bạo lực học đường, phía gia đình cần chung tay với nhà trường trong việc giám sát giáo dục trẻ, nếu gia đình không tham gia giáo dục thì đổi mới giáo dục không thể thành công. Còn về phía nhà trường, từ lãnh đạo đến giáo viên, các đoàn thể, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần giáo dục kỹ năng sống và tư vấn tâm lý cho học sinh. Với xã hội, cần tăng cường truyền thông gương người tốt, việc tốt và cùng chung tay với giáo dục. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục giá trị sống; giáo dục nhân văn cho học sinh. “Tóm lại, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường xã hội và chúng ta xác định ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường là chính”, PGS-TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.  

TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục cho rằng, cần thay đổi nhận thức tổng thể, đầy đủ và khoa học. Sự vào cuộc của cả hệ thống xã hội và đặc biệt là đẩy mạnh mô hình hỗ trợ tâm lý học đường. Ông đề xuất cần có định biên chính thức trong nhà trường về nhân viên tâm lý học đường; đồng thời xây dựng mạng lưới, đẩy mạnh đào tạo và chuyên nghiệp hóa về tâm lý học đường.

Tin cùng chuyên mục