Truyền thông, mạng xã hội có tác động rất lớn đối với ĐBQH

Ngày 8-8, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức hội thảo “Báo chí với hoạt động của Đại biểu Quốc hội”.
Truyền thông, mạng xã hội có tác động rất lớn đối với ĐBQH

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong 74 năm hình thành và phát triển, hoạt động của ĐBQH, Quốc hội đã nhận được sự quan tâm của xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí trong việc truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội, và ĐBQH tới người dân và bạn bè quốc tế. “Quốc hội đang đổi mới tiến tới xây dựng Quốc hội hành động, trong đó vai trò của ĐBQH là hạt nhân, nòng cốt. Cho nên vai trò của truyền thông, mạng xã hội có tác động rất lớn đối với các ĐBQH trong quá trình hoạt động mình, do đó làm sao để những thông tin đó được các ĐBQH chọn lọc và phản ánh tới diễn đàn Quốc hội đáp ứng sự mong mỏi của người dân và cử tri cả nước”.

Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Kuboya Masayoshi, giảng viên của trường đại học Tokai (Nhật Bản) cho biết, tại Nhật Bản, từ tháng 6-2013 pháp luật đã cho phép sử dụng internet để vận động, tranh cử. Do đó, các nghị sĩ cần tham gia trực tiếp vào quá trình truyền tải thông tin trên internet. Tuy nhiên phải chọn lọc thông tin tránh việc đưa các thông tin mang tính phân biệt về giới, những thông tin độc và phải kiểm tra cẩn thận trước khi đưa thông tin, ý kiến của mình lên internet. Với các thông tin mang tính “công kích”, ông Kuboya Masayoshi khuyến nghị: “Khi xảy ra công kích trên mạng xã hội cần có trao đổi, phản biện trên các trang khác để mọi người đọc và hiểu thay vì tranh cãi trên chính trang web đó chỉ khiến như “đổ dầu vào lửa”. Muốn vậy, các nghị sĩ cần đưa thông tin chính xác trên tài khoản mạng xã hội của mình và kiểm soát nó, không để người khác giả mạo tài khoản của mình để đưa lên những thông tin không đúng.

Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch tập đoàn truyền thông Lê, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mạng lưới marketing và quảng cáo độc lập toàn cầu cho rằng, các trào lưu “auto sent”, “auto chửi” đang rất nguy hiểm trong sử dụng mạng xã hội. Do đó, bên cạnh việc không để ai giả mạo tài khoản của mình, các nghị sĩ chỉ nên chia sẻ (share) những thông tin xác thực và hạn chế đưa những thông tin mang tính quan điểm cá nhân; không bình luận những thông tin trên nghị trường, đồng thời tránh thảo luận các vấn đề riêng tư để kiểm soát bình luận và tránh tranh cãi trên mạng.  

Tin cùng chuyên mục