Truyền cảm hứng

Bão hòa rồi bùng phát rồi lại bão hòa, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam phát triển giống như đồ thị hình sin với những biến thiên khó lường. Trong cuộc đua ấy, xếp hạng và quảng cáo chắc chắn là điều các đơn vị sản xuất kỳ vọng nhiều nhất. Nhưng đằng sau những con số ấy, liệu còn giá trị nào cần được coi trọng.

Buổi ra mắt chương trình truyền hình thực tế Không giới hạn - Sasuke Việt Nam 2018, đại diện đơn vị thực hiện VTV3 đã có những chia sẻ về hành trình Việt hóa phiên bản này: “Chúng tôi muốn chia sẻ những khoảnh khắc không bình thường của những con người hoàn toàn bình thường. Đó là cách để động viên, khuyến khích mọi người hướng đến thành công trong cuộc sống hàng ngày”. Theo ê kíp thực hiện, lượng theo dõi, quảng cáo là yếu tố rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Ngoài lượt người xem, chương trình mang đến thông điệp gì, giúp ích gì cho người xem hay không, cũng quan trọng không kém. Đó là lý do ê kíp thực hiện Sasuke Việt Nam mong muốn năm nay mỗi tập phát sóng sẽ mang đến ít nhất một câu chuyện truyền cảm hứng.  

Có lẽ, đã khá lâu rồi khái niệm câu chuyện “truyền cảm hứng” mới được nhắc lại một cách trân trọng trong các chương trình truyền hình thực tế về thi thố. Như một lẽ thường, các đơn vị sản xuất khi thực hiện các chương trình đều mong muốn tìm được những nhân tố đặc biệt để tạo sức hút, điểm nhấn và ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Thành công của các chương trình ngoài lợi nhuận còn được đong đếm bằng việc: Sau cuộc thi, khi nhắc đến nó, khán giả sẽ nhớ đến gương mặt nào. Tuy nhiên, có một điều đã đi vào quên lãng, chương trình ấy phải mang lại giá trị và ý nghĩa gì cho cuộc sống. Những người thực hiện Sasuke Việt Nam có quyền tin tưởng bởi họ đã góp phần tạo nên một phong trào rèn luyện thể thao, một cuộc cạnh tranh đầy đẹp mắt. Có những thí sinh, tham gia tất cả các mùa, không phải để chứng tỏ bản thân mà để vượt qua chính mình.  

Khi truyền hình thực tế Việt đi vào giai đoạn phát triển cực thịnh, rồi bão hòa cũng là lúc cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Để được khán giả quan tâm, thu hút lượng người xem và quảng cáo, hàng tá những chiêu trò, cả chính thống và không chính thống đã được tung ra. Dùng đời tư câu khách, thiên vị thí sinh, lừa dối khán giả, đạo nhạc, scandal tình ái... đủ cả. Sau này, khi chương trình truyền hình thực tế ở thể loại nào ăn khách, các đơn vị sản xuất lại ồ ạt “tấn công”. Phản ứng dây chuyền ấy có thể thấy ở các chương trình về ca hát, hài và gần nhất là hẹn hò. Nhưng ngặt nỗi, không phải đơn vị nào cũng đề cao chất lượng lên hàng đầu. Các đơn vị tham gia sân chơi truyền hình thực tế đa phần là các công ty tư nhân và việc họ phải tìm mọi cách để chương trình của mình được chú ý, có doanh thu quảng cáo là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu bất chấp tất cả chỉ vì lợi nhuận mà không mang lại giá trị, sớm hay muộn chương trình cũng “chết yểu”. Đòi hỏi những chương trình truyền hình thực tế truyền cảm hứng tích cực đến khán giả chưa bao giờ là quá đáng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều giá trị ảo đang lên ngôi hiện nay.

Tin cùng chuyên mục