Truy tận gốc để xử lý cát tặc

Ngày 23-4, tại hội nghị thông qua đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh (gọi tắt là đề án phòng, chống cát tặc) do UBND TPHCM tổ chức, đã ghi nhận nhiều giải pháp, cách làm quyết liệt từ các cơ quan chức năng nhằm xử lý nạn cát tặc.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện các sở ngành TPHCM. Cùng tham dự có đại diện UBND các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi  cùng các đại biểu tại hội nghị      Ảnh: VIỆT DŨNG
 Cộng dồn để xử lý hình sự


Báo động về tình trạng khai thác cát trái phép, ông Lê Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho hay, từ năm 2015 đến nay, địa phương đã phát hiện và xử lý 157 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép với tổng số tiền phạt hành chính gần 6 tỷ đồng. Số vụ bắt cát tặc năm sau đều tăng hơn năm trước.

Bộ đội Biên phòng TPHCM bắt một vụ khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ vào tháng 3-2019                 Ảnh: QUANG HUY
 Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TPHCM, cho biết thêm, các đối tượng thường tổ chức khai thác cát trái phép vào ban đêm và bố trí lực lượng cảnh giới. Khi phát hiện cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát liền thông báo cho đồng bọn rút vòi bơm, xả cát xuống biển, sông và chạy trốn hoặc tự đánh chìm phương tiện để phi tang chứng cứ. Các đối tượng còn lợi dụng hợp đồng khai thác, mua bán, vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh miền Tây, rồi cho phương tiện chạy qua khu vực biển Cần Giờ để khai thác cát trái phép, nếu không bị bắt quả tang, cát lậu đã được hợp thức hóa thành cát hợp pháp. Đại tá Tô Danh Út kiến nghị sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục tái phạm (kể cả phương tiện cho thuê mướn). 

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, mổ xẻ 3 nguyên nhân chủ quan của cơ quan chức năng và chỉ ra hướng khắc phục. Theo đó, về đối tượng xử lý, hầu hết các vụ cát tặc đều xử lý sai đối tượng - mới tập trung xử phạt cá nhân mà bỏ qua pháp nhân là doanh nghiệp. Do vậy phải truy bằng được trách nhiệm - lỗi cố ý - của doanh nghiệp để doanh nghiệp không đối phó bằng cách “đổ tội” cho cá nhân làm thuê. Sai sót chủ quan thứ hai là cơ quan chức năng đã xử phạt không đúng, không đủ hành vi. Mỗi lần bắt quả tang, cơ quan chức năng chỉ xử phạt trên số lượng cát thu giữ được, còn trước đó có bao nhiêu lần vi phạm, bán bao nhiêu cát cho công trình nào thì không mở rộng xác minh, không cộng dồn xử lý theo tình tiết tái phạm. Bởi, nếu cộng dồn thì số lượng cát vi phạm trên 1.000m3, trị giá trên 100 triệu đồng là có thể xử lý hình sự. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng mới xử phạt hành vi vận chuyển cát trái phép mà bỏ qua xử lý hành vi khai thác cát trái phép, do hàng loạt chứng cứ hành vi vi phạm thể hiện ở ngay chính phương tiện khai thác cát lậu đã bị bỏ qua. Hiện nay, lực lượng kỹ thuật hình sự hoàn toàn có thể phục hồi dữ liệu định vị giám sát hành trình phương tiện (bị cát tặc xóa) để chứng minh được hành trình bất thường của phương tiện. Từ đó, có thể xử lý hành vi khai thác cát trái phép một cách nghiêm minh.

Cùng đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị thành lập tổ công tác liên ngành để xử lý cát tặc. Trong đó, phân công cụ thể trách nhiệm từng sở ngành và Công an TPHCM sẽ tập trung xác minh làm rõ hành vi vi phạm của cát tặc, điều tra ngọn nguồn từ lúc khai thác đến lúc vận chuyển, tiêu thụ; chứng minh các hóa đơn mà cát tặc sử dụng quay vòng là vô giá trị. Khi đó, việc xử lý cát tặc không phải lệ thuộc vào việc bắt quả tang. 

Chỉ cấp phép công trình khi chứng minh sử dụng cát hợp pháp

Đề án phòng chống cát tặc mà TPHCM đưa ra với mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng này trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh; giải quyết dứt điểm tình trạng kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn TPHCM. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đề án thực hiện từ nay đến năm 2022. Các giải pháp đồng bộ, bao gồm: tăng cường các biện pháp xử lý, chế tài “cát tặc” đảm bảo đủ sức răn đe, nhằm phòng ngừa tái diễn; phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Tây về thông tin mỏ cát được khai thác hợp pháp để phục vụ cho việc điều tra, xác minh nguồn gốc cát đang tiêu thụ trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, TPHCM xây dựng chốt kiểm soát trên biển (nhà giàn nhỏ) trang bị phương tiện, kỹ thuật hiện đại để bảo vệ chủ quyền biển, phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản, thủy sản trái phép. “TPHCM sẽ kiểm tra nguồn gốc cát san lấp của các dự án trên địa bàn TPHCM, nhất là các dự án sử dụng nguồn cát san lấp có khối lượng lớn. Các dự án có quy mô lớn phải xem xét đến phương án, nguồn gốc cát xây dựng, cát san lấp dùng cho dự án trước khi phê duyệt đầu tư”, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre nhất trí với đề án phòng, chống cát tặc của TPHCM; đồng thời cho biết sẽ phối hợp cung cấp thông tin tình hình khai thác các mỏ cát hợp pháp, giúp TPHCM kiểm tra việc vận chuyển cát trái phép, làm cơ sở cho xử lý vi phạm khai thác, vận chuyển, mua bán cát lậu; chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý việc xuất hóa đơn của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, tránh tình trạng cát tặc mua hóa đơn để hợp thức hóa cát đã khai thác trái phép. Các tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ tăng mức phạt và áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu phương tiện vi phạm khai thác khoáng sản trái phép từ 10m3 trở lên nhằm đủ sức răn đe người vi phạm. 

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, khai thác cát trái phép đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Trả lời câu hỏi “TPHCM có chấm dứt được khai thác cát trái phép không?”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm đúng trọng tâm, đột phá, tấn công hiệu quả vào các đối tượng khai thác cát trái phép. Trong đó, ngay từ phương tiện dùng để khai thác cát trái phép cũng cần phải được kiểm tra, giám sát kỹ tính pháp lý của phương tiện đó, xem có được lưu thông không, có giấy kiểm định không? Người lái phương tiện có đủ điều kiện về bằng lái không? Giấy phép khai thác, lộ trình ra sao? Sở Tư pháp, Sở GT-VT và các đơn vị liên quan của TP cần nghiên cứu xem xét vấn đề này, nếu làm được thì có thể xử lý mà chưa cần đụng tới cát (bắt quả tang đang bơm, hút cát - PV). Đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cũng tán đồng với giải pháp xây dựng chốt (nhà giàn nhỏ), vừa làm chức năng quốc phòng, vừa phòng, chống cát tặc.

Trong chuỗi khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát không phép, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu phải áp dụng công nghệ, nắm bắt chắc quy luật để xử lý ngay khi đối tượng đang khai thác; tập trung giám sát ngay từ lúc vận chuyển; rà soát, xử lý, dẹp các điểm thu mua vật liệu xây dựng không phép. Trước tình trạng cơ quan chức năng tốn nhiều công sức, tiền bạc để bảo quản phương tiện vi phạm trong thời gian tạm giữ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở, cần tính đến giải pháp yêu cầu người vi phạm phải chịu trách nhiệm chi trả chi phí bảo quản; tán đồng giải pháp thành lập tổ công tác liên ngành để phối hợp nhanh, can thiệp, đặc trị cát tặc.

Đặt ra vấn đề cân đối nhu cầu vật liệu xây dựng, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu cần làm rõ nhu cầu về cát ở TPHCM là bao nhiêu, các tỉnh cung ứng bao nhiêu. Nếu thiếu cát, thì biện pháp thay thế là gì? UBND TPHCM cần làm việc với Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành để làm rõ các vấn đề này. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật để xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép. “TPHCM phấn đấu phải là địa phương khắc phục tốt tình trạng khai thác không phép và sai phép”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TPHCM TRẦN VĨNH TUYẾN: KHUYẾN KHÍCH NGHIÊN CỨU SẢN PHẨM MỚI THAY THẾ CÁT
TPHCM đã mời các đơn vị tư nhân nạo vét luồng tuyến nhưng có khi chính các đơn vị này lại là… cát tặc, họ làm quá mức cho phép. TPHCM đang bàn giải pháp kiểm soát chặt chẽ các đơn vị này ngay từ đầu. TPHCM bổ sung trách nhiệm 24 quận huyện vào đề án, bởi việc phòng chống mua bán, tiêu thụ cát lậu cần sự tham gia của các địa phương chứ không chỉ liên quan đến những quận huyện có sông, biển ở TPHCM. Đồng thời, TPHCM sẽ làm việc với Sở Xây dựng TP để bàn cụ thể về nhu cầu cát xây dựng, cát san lấp và sẽ có hội nghị về sản phẩm thay thế cát. TP cũng tính tới các chính sách miễn thuế với các sản phẩm này. Điều này không chỉ phục vụ xã hội mà còn khuyến khích doanh nghiệp, mời gọi các nhà khoa học có đề tài nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới thay thế cát. TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan để góp ý, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm đảm bảo bất cứ trường hợp vi phạm nào cũng được xử lý triệt để, truy tận gốc, khởi tố các đối tượng, chứ không chỉ loay hoay xử lý các trường hợp bắt quả tang trên sông, trên biển. Việc sử dụng cát cũng phải được chứng minh là có nguồn gốc, nếu cát không có nguồn gốc thì người, đơn vị sử dụng cũng bị xử lý.

Tin cùng chuyên mục