Trường Sơn - 10 năm trở lại - Bài 5: Những trăn trở hôm nay

Trước khi lên đường trở lại Trường Sơn thực hiện loạt bài này, một cựu chiến binh Trường Sơn đã nói với chúng tôi: “Nếu ai là cựu chiến binh đã từng đi qua hay ở lại Trường Sơn, chắc chắn đều có ý muốn trở lại Trường Sơn một lần trong đời để thấy Trường Sơn hôm nay đổi thay như thế nào…”.

Ý muốn trên không phải chỉ riêng của cựu chiến binh Trường Sơn ấy, mà còn cả với chúng tôi và nhiều người khác nữa, một lần được đến Trường Sơn vẫn ước muốn trở lại Trường Sơn để thấy còn những điều chưa làm được với Trường Sơn và góp sức nhỏ bé của mình làm một việc gì đó cho Trường Sơn…

Lỗi hẹn với Khe Hó

10 năm trước, khi chúng tôi tìm đường vào Khe Hó, con đường độc đạo dẫn vào xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) chỉ vài cây số, nhưng đi mất gần 1 giờ với nhiều đoạn xe phải băng ngầm dưới dòng suối nước cuộn chảy.

Lần đó, dù rất cố gắng nhưng chúng tôi cũng không vào được tận Khe Hó - căn cứ đầu tiên của Tiểu đoàn 331 và là điểm xuất phát của những đội quân “soi đường, lập tuyến” mở đường Trường Sơn 60 năm trước.

Nhiều người dân và cả một số cán bộ xã Vĩnh Hà đều rất mơ hồ vì chưa hề vào đến di tích điểm đầu tiên của đường Trường Sơn này do đường đi đã bị cây rừng che kín và cũng không có phương tiện nào có thể vào được, ngoài việc lội bộ băng rừng, vượt suối, leo dốc… mất 2 ngày đi và về.

Trường Sơn - 10 năm trở lại - Bài 5: Những trăn trở hôm nay ảnh 1 Bãi Mít, Khe Hó từ nhiều năm qua còn là khu đất hoang, không lưu dấu gì của một di tích lịch sử Trường Sơn. Ảnh: HOÀI NAM

Còn lần này, cựu chiến binh Võ Văn Hỉnh (hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh) đón chúng tôi tại ngã tư Bến Quan và cùng ngồi xe vào xã Vĩnh Hà. Đường vào trụ sở UBND xã sau 10 năm đã dễ dàng hơn trước.

Một cây cầu bê tông kiên cố bắc qua suối Ba Buôi, có con đường nhựa thẳng tắp, chỉ mất hơn 10 phút là vào tới nơi. Đến UBND xã Vĩnh Hà, chúng tôi gặp Chủ tịch UBND xã Võ Văn Sanh, khi ông đang chuẩn bị đi họp. Sau câu chuyện mào đầu xã giao, chúng tôi đưa ra đề nghị ông cho người dẫn vào Khe Hó.

“Không đi được đâu. Nhiều năm qua, không làm được di tích trong đó cũng vì không có đường. Tháng này đi khó lắm, đường rừng qua suối lầy lội”, ông Sanh quả quyết. “10 năm trước đến đây, chúng tôi đã không vào được, dù lúc đó Trưởng bản Khe Hó - Hồ Thanh và Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thủy đã tìm đủ mọi cách”.

Vừa nghe chúng tôi nhắc đến Trưởng bản Hồ Thanh, người cuối cùng của bản Khe Hó những năm 1959, 1960 mà chúng tôi có dịp tiếp xúc 10 năm trước, ông Võ Văn Sanh giọng trùng xuống: “Ông Hồ Thanh mất hơn 2 năm nay rồi”. “Thế còn Hồ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã giờ làm gì?”, chúng tôi hỏi tiếp. “Hồ Thủy là con trai Trưởng ban Hồ Thanh, cũng mới mất năm ngoái vì tai nạn giao thông”.

Nghe đến đây, chúng tôi bàng hoàng và chợt nhớ đến anh Cường, người tài xế “tay lái lụa” của cơ quan, đã đưa chúng tôi trong hành trình hơn 6.000km đến Trường Sơn huyền thoại 10 năm trước, cũng đã mất vì căn bệnh hiểm nghèo cách nay gần 5 năm.

Thấy được quyết tâm của chúng tôi phải vào được Khe Hó, không thể 10 năm quay lại phải về không, ông Võ Văn Sanh móc điện thoại ra gọi cán bộ văn hóa xã Văn Hải đến bàn cách đi Khe Hó, dù lúc đó đã gần 2 giờ chiều.

Thế nhưng, khi gặp chúng tôi, ông Hải vẫn một mực quả quyết: “Không đi được. Có đi thì sáng mai quay lại, phải thuê xe máy cày mới vào được”. “Anh thuê giúp chúng tôi mấy chiếc xe gắn máy”. “Được, nếu các anh quyết tâm thì lấy xe tôi mà đi”.

Nói rồi, ông Võ Văn Sanh gọi điện thoại cho du kích xã về UBND xã nhận nhiệm vụ. Du kích xã kiêm bảo vệ rừng Nguyễn Thanh và một du kích nữa, cùng chúng tôi đi trên 3 xe máy bắt đầu vượt rừng, băng suối vào Khe Hó. Con đường gồ ghề, nhiều đoạn dốc đứng, đường trơn trượt, bánh xe sau dù gai còn khá mới nhưng cũng trượt hết sang bên phải đến bên trái.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi được du kích Thanh chở trên chiếc xe máy có vỏ bánh sau gai sọc ngang nên bám đường khá tốt. “Cẩn thận, bãi đá”, du kích Thanh chạy trước kịp lên tiếng khi thấy xe chúng tôi như đang tuột dốc lao xuống bờ suối. “Rầm!”, bánh trước chiếc xe lao vào rãnh bùn cuối con dốc, khựng lại, đẩy chúng tôi văng ra bờ cỏ.

“May quá, không sao”. Tôi giục người bạn đồng hành lên xe, vượt tiếp qua 2 con dốc dài và 1 con suối cạn thì gặp cánh rừng tràm. “Đây là bãi Mít, Khe Hó”, du kích Thanh ra hiệu cho chúng tôi dừng xe lại. Trước mặt chúng tôi là một bãi đất rộng, chính giữa là những luống tràm cao chưa tới đầu người.

Thấy có người đến, người đàn ông tuổi chạc 70, mặc chiếc áo lính bạc màu, từ trong căn nhà gỗ ven bãi đất bước ra. Khi biết chúng tôi là đoàn nhà báo từ TPHCM đi tìm hiểu về Khe Hó, ông vui vẻ giới thiệu là Trần Hữu Vinh, cựu bộ đội Trường Sơn thời kỳ 1969-1970. “Đây là bãi Mít, nơi mà Thiếu tướng Võ Bẩm và những đội quân đầu tiên của Đoàn 559 tập kết, “soi đường, lập tuyến”, mở đường Trường Sơn 60 năm trước.

Trường Sơn - 10 năm trở lại - Bài 5: Những trăn trở hôm nay ảnh 2 Phòng họp dưới lòng đất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại đại bản doanh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn, tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Còn phía trong xa kia là hang Dơi - đại bản doanh của Mặt trận B5 Trường Sơn. Hơn 10 năm trước tôi vào đây nhận khu đất này trồng cây tràm và keo lai. Từ đó đến nay cũng có nhiều đoàn cựu chiến binh Trường Sơn vào khảo sát khu vực để xây tượng đài. Thế nhưng, không hiểu sao đến nay vẫn chưa thực hiện được”, người cựu chiến binh Trường Sơn - Trần Hữu Vinh ngậm ngùi nói.

Trở lại trụ sở UBND xã Vĩnh Hà, chúng tôi gặp lại cựu chiến binh Võ Văn Hỉnh và đồng đội Dương Đình Dược đi cùng. Kể lại câu chuyện về những năm tháng đi mở đường Trường Sơn, 2 cựu chiến binh già năm xưa nhiều lần ngậm ngùi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống ở Trường Sơn và nuối tiếc về một di tích Trường Sơn nhiều năm qua ít được nhắc tới.

Cựu chiến binh Dương Đình Dược nói: “Điều mong muốn của tôi và rất nhiều cựu chiến binh Trường Sơn là cần làm ngay một tượng đài hay di tích kỷ niệm ở Khe Hó. Nếu không làm được ở vị trí bãi Mít, thì dời ra chỗ nào ở ngoài này cũng được, nhưng phải làm sớm, để những cựu chiến binh Trường Sơn hiện còn sống và thế hệ hôm nay lẫn mai sau biết về Khe Hó, biết về một di tích lịch sử của một Trường Sơn”.

Không được lãng quên! 

Chúng tôi và nhiều cựu chiến binh, cựu TNXP Trường Sơn và thế hệ hôm nay cũng có chút nuối tiếc như cựu chiến binh Dương Đình Dược về Khe Hó, một di tích Trường Sơn bị lãng quên. Trên dọc dài dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, từ Đông sang Tây, còn bao nhiêu di tích Trường Sơn như Khe Hó bị lãng quên? Chắc chắn còn nhiều. 

Trường Sơn không chỉ là con đường mang tên “Trường Sơn huyền thoại”, đó còn là căn cứ địa liên hoàn với hệ thống các binh trạm, kho tàng, công binh, trạm giao liên, bệnh viện dã chiến, trạm xá… trải rộng từ Đông sang Tây Trường Sơn, từ nhiều địa phương có đường Hồ Chí Minh hiện nay đi qua và sang đến tận 2 nước bạn Lào, Campuchia.

Hàng chục vạn người đã sống và chiến đấu ở Trường Sơn trong nhiều năm liền để phục vụ, bảo đảm cho hàng triệu tấn hàng hóa và vũ khí kịp đến chuyển ra mặt trận; cả triệu lượt bộ đội hành quân vào chiến trường và trở về hậu phương…

Đó là những địa danh lịch sử một thời: Bến Hét, Bến Giằng, hang Hóa Tiến, bến phà Xuân Sơn, Cự Nẫm, Xiêng Phan, Xi Xô Phôn, Sê Pôn, Bản Đông… Điều đáng buồn là rất nhiều nơi trên Trường Sơn ấy đang bị lãng quên…  

Trong chuyến trở lại Trường Sơn huyền thoại lần này, nhóm phóng viên chúng tôi đã nói đến phần rất nhỏ những việc đã làm cho Trường Sơn trong những năm qua của Báo SGGP và các cá nhân, đơn vị, mạnh thường quân đóng góp thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP.

Đó là những ngôi làng và hàng ngàn ngôi nhà được dựng lên để tri ân những gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu TNXP, cựu dân công hỏa tuyến… đã có những đóng góp cho Trường Sơn; là những đền thờ, công trình dân sinh, ngôi trường, trạm xá mọc lên giữa núi rừng Trường Sơn và còn nhiều việc làm khác nữa của cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm trong cả nước đóng góp cho Trường Sơn mà trong loạt bài này chúng tôi chưa nhắc tới.

Từ những chuyến trở lại Trường Sơn trong những năm qua và đứng trước những đổi thay của Trường Sơn hôm nay, chúng tôi vẫn có sự tiếc nuối với một Trường Sơn bí ẩn, một Trường Sơn đại ngàn.

Hãy giữ gìn Trường Sơn - nóc nhà của 3 nước Đông Dương như thế nào? Và điều băn khoăn khác nữa của chúng tôi mỗi lần trở lại Trường Sơn là làm gì để góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân các bản làng ở Trường Sơn và bảo tồn, giữ gìn những chứng tích của Trường Sơn?

Là một người lính, mặc dù chưa đến được Trường Sơn trong những năm chiến tranh ác liệt, nhưng qua những lần đến Trường Sơn, bản thân tôi cũng đau đáu, cảm nhận với nhiều ưu tư của những đồng đội, cựu chiến binh thế hệ trước tôi về những việc chưa làm được cho Trường Sơn.

Nhưng dù sao, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày mở đường Trường Sơn, qua những trang báo của mình, chúng tôi mong muốn nhắc nhở thế hệ hôm nay “không được lãng quên Trường Sơn”, để tiếp tục có những việc làm vì Trường Sơn huyền thoại.

Tin cùng chuyên mục