Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao

Hệ thống trường đại học tư thục (ĐHTT) tính đến nay đã hình thành và phát triển gần 30 năm. Trong số 66 trường ĐHTT (cả nước có 235 trường ĐH, chưa tính các trường thuộc khối an ninh quốc phòng), đã có một số trường tạo những điểm sáng đáng ghi nhận. Nhiều trường không chỉ đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, mà còn mạnh dạn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế. Dù tỷ lệ sinh viên của ĐHTT chỉ chiếm chưa tới 14% sinh viên cả nước (hơn 1,76 triệu sinh viên), nhưng những đóng góp cho giáo dục ĐH cả nước thật đáng ghi nhận.
Phối cảnh Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao đang xây dựng tại Khu Công nghệ cao TPHCM
Phối cảnh Trung tâm Đào tạo Công nghệ cao đang xây dựng tại Khu Công nghệ cao TPHCM

Những dấu ấn 

Cách đây 10 năm, tại hội nghị các trường ĐH, CĐ tư thục, hệ thống ĐHTT phơi bày hàng loạt yếu kém, như thiếu giảng viên, tuyển sinh chật vật, cơ sở vật chất gần như hoàn toàn thuê và mượn, tỷ lệ chi của các trường cho việc thuê mướn đến trên 80%. Thế nhưng đến nay, nhiều trường đã có những bước tiến ngoạn mục và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. 

Cuộc khảo sát mới đây do PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường ĐHTT (Bộ GD-ĐT), đã có những đánh giá rất tích cực: “Cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào, kể cả khi so sánh với nhiều trường ĐH công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, nhiều trường có từ 700 đến hơn 1.000 giảng viên, vượt xa so với nhiều trường công lập. Quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành”. Điển hình nhất trong số đó là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với minh chứng rất rõ nét. 

Là ngôi trường thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành từ một doanh nghiệp phát triển thành trường học theo chủ trương xã hội hóa giáo dục. Đến nay, sau 20 năm phát triển, trường đã đạt nhiều thành tích vượt trội trong đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học. Từ chỗ tuyển sinh có 2 ngành đào tạo với 200 sinh viên, đến nay trường đã phát triển thành trường đa ngành, có 15 khoa, 44 chương trình đào tạo (từ ĐH đến cao học, sắp tới là đào tạo tiến sĩ) với số lượng hơn 20.000 sinh viên. Trường được Bộ GD-ĐT đánh giá là cơ sở đào tạo có đội ngũ giảng viên hùng mạnh nhất cả nước với gần 2.000 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng (trong đó có 11 giáo sư, 28 phó giáo sư, 155 tiến sĩ, gần 700 thạc sĩ). 

Về cơ sở vật chất, nhà trường đã huy động tối đa nguồn lực để đầu tư mạnh cho hệ thống cơ sở vật chất từ phòng học cho tới phòng thực hành, nghiên cứu. Từ chỗ 2 phòng học lý thuyết, đến nay trường đã có hơn 500 phòng học, phòng thực hành, nghiên cứu được trang bị hiện đại với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Năm 2019 này, nhà trường dự kiến sẽ khánh thành Trung tâm Công nghệ cao xây dựng tại khu đất rộng 4,5ha (thuộc quần thể hơn 30ha được thành phố cấp tại Khu Công nghệ cao TPHCM), với tổng kinh phí đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đây được xem là một trong những bước tiến quan trọng trong định hướng phát triển của nhà trường, làm nền tảng để phát triển Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành một trường ĐH ứng dụng, thực hành đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội nhập với thế giới

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Một trường đại học muốn phát triển bền vững, muốn khẳng định uy tín không chỉ đạt chuẩn chất lượng trong nước, mà phải chuẩn hóa theo các chuẩn mực của quốc tế về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học”. Phát triển theo định hướng này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được tổ chức xếp hạng QS Stars (Anh Quốc) đánh giá xếp hạng 3 sao; là 1 trong 20 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng quốc gia và thành viên liên kết của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN). Đặc biệt, trong năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ chính thức kiểm định theo chuẩn AUN-QA cho 4 chương trình đào tạo (Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin). 

Bên cạnh những hoạt động đầu tư phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, với mức kinh phí 20 tỷ đồng/năm. Từ năm 2011 đến nay, trường đã thực hiện gần 3.000 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 25 đề tài cấp nhà nước, 32 đề tài cấp bộ, 22 đề tài cấp sở, 4 đề tài hợp tác quốc tế, trên 500 đề tài cấp trường và trên 700 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Đặc biệt, trường đã có 671 bài báo ISI/SCOPUS (đứng đầu trong các trường ĐHTT của cả nước), gần 900 bài báo đã đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước.  

Trong những năm qua, trường có chính sách đặc biệt để thu hút các chuyên gia đầu ngành về học thuật và nghiên cứu khoa học, được đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… để làm hạt nhân dẫn dắt đội ngũ giảng viên trẻ tham gia giảng dạy và nghiên cứu. Trong năm 2018, nhiều nhà khoa học trẻ của trường được vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. 

Tin cùng chuyên mục