Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với Hội nghị Hương Đô và đường Trường Sơn huyền thoại

Thời thế tạo ra anh hùng, nhưng anh hùng lại góp phần tạo ra thời thế. Đó là quy luật của lịch sử. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những trường hợp như thế. 

Những ngày này, cả nước đang hân hoan chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày ra đời tuyến chi viện chiến lược 559 huyền thoại (5-1959 - 5-2019) thì lại vắng bóng ông. Lịch sử không thể có “nếu như”, song mỗi người dân Việt Nam, nhất là những cựu chiến binh Trường Sơn đang hướng về tháng 5 lịch sử này đều nghĩ rằng niềm vui sẽ trọn vẹn biết bao nếu như được đồng hành cùng ông, một trong những kiến trúc sư của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (phải) báo cáo tình hình 
                    với Đại tướng Văn Tiến Dũng             Ảnh: TL
 1. Tháng 5-1966, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được điều vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đoàn 559 và tháng 12 năm đó được bổ nhiệm làm Tư lệnh Đoàn 559, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Ông là một trong số rất ít người có mặt ngay từ những ngày đầu tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chuyển từ vận tải thô sơ lên vận tải cơ giới và gắn bó với tuyến đường này trong suốt những năm đánh Mỹ khốc liệt. Với quân đội, Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng hội đủ các tố chất “Nhân, Trí, Tín, Dũng, Liêm, Trung” và cho đến những năm cuối đời vẫn giữ trọn được “Đạo làm tướng” như lời Bác Hồ đã dạy. Với đồng đội, đặc biệt là với những người lính Trường Sơn năm xưa, ông là một con người sống “Trọn nghĩa - Vẹn tình”. Vẫn biết rằng viết về Đồng Sỹ Nguyên với tuyến chi viện chiến lược, đường Trường Sơn huyền thoại có lẽ không bút mực nào có thể chuyển tải hết. Chính vì vậy mà bài viết này chỉ dám ghi lại dấu ấn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Hội nghị Hương Đô, một cột mốc vô cùng quan trọng trên chặng đường phát triển của Đoàn 559 thay cho nén tâm nhang tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng.


2. Hạ tuần tháng 6-1967, hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô 1966-1967 của Đoàn 559 được tiến hành tại xã Hương Đô (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nơi đặt “đại bản doanh” của Bộ Tư lệnh 559 lúc bấy giờ. Đây là một hội nghị đặc biệt quan trọng đối với Đoàn 559 cũng như với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Đó không đơn thuần là một hội nghị tổng kết, mà còn là hội nghị tập huấn với nhiều nội dung rất mới mẻ về nghệ thuật quân sự lần đầu tiên được vận dụng thắng lợi trên tuyến vận tải quân sự chiến lược. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nói, Hội nghị Hương Đô là tìm lời giải để phát triển vận tải cơ giới trên Trường Sơn. Trong mùa khô 1965-1966, lần đầu tiên thực hiện vận tải cơ giới trên tuyến chi viện chiến lược, Đoàn 559 chỉ thực hiện được 57% kế hoạch. Trong cuộc họp của Bộ Tổng Tư lệnh nhằm đánh giá hoạt động vận chuyển chi viện của Đoàn 559 trong mùa khô 1965-1966 và tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục đã xuất hiện 2 luồng ý kiến. Để hạn chế thiệt hại, một bên cho rằng nên quay trở lại lấy gùi thồ làm phương thức vận tải chủ yếu; luồng ý kiến còn lại thì khẳng định cần phải lấy vận tải cơ giới làm phương thức vận tải chủ yếu. Đại tá Đồng Sỹ Nguyên (lúc ấy ông vẫn đang là đại tá) là người kiên quyết bảo vệ quan điểm đồng tình với luồng ý kiến thứ 2. Theo ông, phải lấy vận tải cơ giới làm chủ yếu; tùy nơi, tùy lúc mới kết hợp vận tải thô sơ; chúng ta không còn có cách lựa chọn nào khác bởi yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng lớn. Tư tưởng phải lấy vận tải cơ giới làm phương thức vận tải chủ yếu trong tổ chức vận chuyển chi viện chiến trường đã hằn sâu trong tâm thức của vị tướng này. Ông mang tinh thần đó đến Hội nghị Hương Đô để thảo luận tìm biện pháp cụ thể hóa nó trên thực tiễn. Trong khoảng thời gian từ cuộc họp của Bộ Tổng Tư lệnh ở Hà Nội đến Hội nghị Hương Đô, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dành phần lớn thời gian đi xuống các cơ sở, đến mọi cung đường, trọng điểm trên tuyến để nghiên cứu, suy ngẫm tìm biện pháp thực hiện chỉ đạo của tổng hành dinh. Những chuyến đi đó đã giúp ông đúc kết được nhiều điều để đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Hương Đô sau đó.

Hội nghị Hương Đô là hội nghị có đông đủ thành phần tham dự nhất của Đoàn 559 kể từ ngày thành lập, được ví như “Hội nghị Bình Than” thời nhà Trần vậy. Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thì đây là cột mốc có tính chất lịch sử để chuyển sang tác chiến hiệp đồng binh chủng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo thế, tạo lực mới để tiến lên hoàn thành nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người sớm phát hiện ra sự bất ổn trong tư tưởng chỉ đạo “lấy phòng tránh là chính” và ông cũng là người dũng cảm dám nói ra điều đó. Theo ông, chủ trương này không sai nhưng nó chỉ phù hợp với giai đoạn đầu; nếu cứ máy móc duy trì kéo dài khi tình hình đã chuyển biến, tuyến chi viện chiến lược đã tổ chức vận tải cơ giới thì chủ trương “phòng tránh tích cực” không còn phù hợp, kéo dài sẽ tạo nên sự trì trệ khôn lường.

Tại Hội nghị Hương Đô, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải nhận thức đầy đủ chức năng của tuyến 559 chi viện cho chiến trường về cả 3 mặt: tuyến vận tải quân sự chiến lược; hướng chiến trường trọng yếu; căn cứ chiến lược của các chiến trường. Phải coi đây là một chiến trường “đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”. Ông yêu cầu chuyển Bộ Tư lệnh và toàn bộ cơ quan Bộ Tư lệnh từ chỗ chỉ đạo là chính sang có kết hợp chỉ huy; tiến tới tổ chức chiến dịch vận tải trên toàn tuyến. Từ những cảm nhận thực tế sau những chuyến thị sát, ông đúc kết: Tất cả các lực lượng phải bám đường, bám trọng điểm; đồng thời yêu cầu trước hết Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh phải chuyển ra gần trục đường chính để làm gương cho các binh trạm.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đã “thổi hồn” tư tưởng tiến công vào tuyến vận tải quân sự mà trước đó từng bị xem nhẹ. Với bộ đội cao xạ, ông cho rằng phải bố trí lại trận địa bám sát các mục tiêu bảo vệ, lấy chốt trọng điểm là chính, kết hợp với cơ động thích hợp. Đối với bộ đội công binh, phải xây dựng công sự bám trụ ngay tại trọng điểm, coi chốt trọng điểm như trận địa chiến; tăng phương tiện, giảm bớt người mà vẫn ứng cứu khắc phục phá hoại nhanh. Với bộ đội vận tải, phải xem vận tải ô tô là “quân chủ lực” để tổ chức hiệp đồng binh chủng. Đối với lực lượng giao liên, trong điều kiện hành quân cơ giới chưa phổ biến, cần thực hiện tốt “trên không va, dưới không vấp”, lấy tán rừng làm màn ngụy trang, cần phải tổ chức đường đi vào đi ra, đường vượt của phân đội nhỏ, phần đi lẻ… Đối với bộ đội thông tin, phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ thông tin chiến dịch cho bản thân tuyến và triển khai xây dựng thông tin chiến lược. Với các binh trạm cần phải trở thành một tổ chức chỉ huy chiến đấu binh chủng hợp thành thực sự, biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự phù hợp với đặc điểm chiến đấu trên tuyến vận tải chiến lược, khắc phục tình trạng chỉ biết vận tải đơn thuần. Với lực lượng bộ binh, phải biết phối hợp với các binh chủng khác trên tuyến, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng chính diện và chiều sâu cho hành lang tuyến…

Những kinh nghiệm vận tải chi viện chiến lược trong mùa khô 1965-1966 được Hội nghị Hương Đô khái quát thành các vấn đề có tính lý luận và sau đó được kiểm nghiệm qua diễn tập “chiến dịch vận tải” cùng với các chuẩn bị khác về con người, trang bị vũ khí… đảm bảo cho Đoàn 559 chủ động, vững vàng triển khai “chiến dịch nhập tuyến”, góp phần cùng các chiến trường thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược mới của Đảng, mà trước hết là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thành công đó in đậm dấu ấn của vị tướng tài ba - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Kinh nghiệm dày dạn của một cán bộ từng trải, từng gắn bó lăn lộn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở nhiều địa bàn khác nhau, từ quê hương Khu 4 đến chiến trường Lào xa xôi và vùng núi rừng Trường Sơn hùng vĩ cộng với vốn tri thức quân sự tích lũy được qua hoạt động sâu sát thực tiễn đã giúp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thể hiện xuất sắc vai trò Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn.

3. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một người đa tài. Với Bộ đội Trường Sơn, ông không chỉ là một vị tư lệnh bản lĩnh và sắc sảo, mà còn là một người luôn quan tâm đến xây dựng đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho các lực lượng trên tuyến. Ông là một vị tướng luôn xót xa với từng giọt máu của chiến binh rơi trên rừng Trường Sơn và luôn đau đáu tìm mọi cách để vừa nâng cao hiệu suất hoạt động của toàn tuyến, vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất sự hy sinh, mất mát cho các lực lượng trên tuyến. Gắn bó với Đoàn 559, với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn ngay từ những ngày đầu đương đầu chống chọi với chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ và để lại nhiều dấu ấn với những cung đường kín, với các phương thức vận tải cơ giới, những “sư đoàn khu vực”, “sư đoàn vận tải”… nếm trải những đắng cay, ngọt bùi trong suốt dặm dài chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của tuyến đường mang tên Bác. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên xứng đáng là một kiến trúc sư tài ba của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Tin cùng chuyên mục