Trung thu yêu thương

Trung thu yêu thương là chương trình xã hội từ thiện được Báo SGGP thực hiện hàng năm để mang niềm vui Trung thu đến các cháu nhỏ kém may mắn. Sáng qua 15-9, chương trình Trung thu yêu thương đã được tổ chức chu đáo, xúc động và ấn tượng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Thương các cháu bất hạnh

Rạng sáng 15-9, các cháu nhỏ được tắm rửa, ăn uống sớm hơn mọi ngày. Phạm Thị Trang xum xoe bộ đầm mới, cột tóc gọn gàng, rồi ngó nghiêng, đi lại trước gương. Cũng như nhiều bạn khác đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây, cháu Trang có hoàn cảnh rất bất hạnh, bị tật ở chân ngay từ khi chào đời và bị cha mẹ bỏ lại ở bệnh viện. Trang kể: “Hiện nay, con đang làm ở tổ may vá quần áo cho các em. Đêm qua con khó ngủ và chỉ mong cho trời mau sáng để vui Tết Trung thu với các cô chú. Con sẽ hát cho cô chú nghe bài “Đếm sao”, con thích bài này lắm. Con sẽ song ca cùng Bảo Điền. Quen rồi, cứ đến dịp Trung thu là tụi con hát bài này”. Nghe nhắc đến mình, Bảo Điền bước tới với hai chân khẳng khiu, nở nụ cười, đưa tay vẫy vẫy chào.

Hơn 7 giờ, các cháu lần lượt được các cô bảo mẫu, điều dưỡng đưa xuống sân. Có cháu bị teo não, gồng cứng, loạn dưỡng cơ… phải ngồi xe chuyên dùng. Các cháu tuổi nhi đồng với các khuyết tật trên cơ thể cũng được các cô điều dưỡng bồng xuống sân để chơi cùng anh chị. Riêng những cháu bị não úng thủy, bại não và các bệnh liên quan đến thần kinh không thể vui Trung thu nên vẫn phải lưu tại trại. 

Các bạn đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Báo SGGP đến khá sớm, sôi nổi chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Khi đoàn lân đến, không khí bắt đầu sôi động. Trong tiếng trống múa lân rộn ràng, các cháu dù với khuôn mặt ngờ nghệch, tay chân khẳng khiu, cũng hân hoan nhoài người, giơ tay chào và vỗ tay. Thấy nhiều khách ân cần thăm hỏi, vỗ về, một số cháu nhỏ rời khỏi chỗ ngồi, nhào đến đòi các anh, chị bồng bế, ôm ấp. Cháu Thiên Ngân, 4 tuổi mà vẫn bé xíu cứ cuống quýt trong niềm vui được nựng nịu. Các lồng đèn trung thu và quà bánh đã được các anh chị trao tận tay các em. Vừa nhận được quà, cháu nào cũng hớn hở, có cháu cứ ôm chiếc lồng đèn hình máy bay xoay người vòng vòng cho máy bay bay nhanh. 

Trung thu yêu thương ảnh 1 Phó Tổng Biên tập Lý Việt Trung cùng các cán bộ, đoàn viên, thanh niên Báo SGGP và nhà hảo tâm chụp ảnh lưu niệm với thiếu nhi. Ảnh: VIỆT NGA

Xem 2 cháu tàn tật mồ côi hát trong chương trình văn nghệ, ai cũng xúc động. Lời bài hát nói đến hạnh phúc được sống trong tình yêu thương của mẹ cha, nhưng với các cháu đó mãi chỉ là nỗi khát khao chẳng bao giờ có được. Các tiết mục văn nghệ do các bạn đoàn viên thanh niên Báo SGGP phục vụ đã thực sự mang đến niềm vui khi các cháu được thấy hình ảnh chú Cuội, chị Hằng. Không hẹn mà nhiều cháu đã hân hoan chạy lên bên các anh chị, nhảy tung tăng thích thú. 

Bác sĩ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè, chia sẻ: “Thương lắm! Do các cháu mang nhiều bệnh từ khi chào đời, không có sức đề kháng, rất dễ bị bệnh, nên suốt ngày phải ở trên trại và ít được xuống sân. Sáng nay, Báo SGGP đến đây tổ chức cho các cháu vui Trung thu, nên các cháu có dịp xuống sân tham gia. Các cháu mừng lắm. Dù các cô ở trung tâm ân cần chăm sóc, dỗ dành, nhưng gặp khách đến thăm là các cháu lại đòi bồng bế”. 

Trước đó, trưa 14-9, các nhà hảo tâm đã ủng hộ Quỹ Từ thiện xã hội Báo SGGP để tổ chức cho các cháu ở đây vui Trung thu đã đến thăm các cháu ở từng phòng. Khi thấy tình cảnh các cháu bé vừa tàn tật vừa mồ côi, nhiều cháu đang trong cảnh sống lây lất không biết gì, ai cũng bùi ngùi xúc động, bảo nhau rằng có giúp bao nhiêu cũng thấy chưa đủ để cùng sẻ chia nỗi bất hạnh của các cháu. 

Chung sức chung lòng 

Năm nay Báo SGGP tổ chức Trung thu yêu thương tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè như một cái duyên. Khi đọc bài báo “Thương các cháu bé bất hạnh” (đăng trên Báo SGGP ngày 19-4-2018), nhà báo Huỳnh Thanh Luân rất cảm động với chi tiết: “Thật tội nghiệp khi các cháu đến đây từ cổng chính, nhưng rồi gần 80% phải đi ra bằng cổng phụ. Đó là khu vực phòng tang lễ rất trầm mặc ở phía sau trung tâm, tách biệt với phòng nghỉ, sân chơi của các cháu. Nhiều cháu phải mất sớm như vậy không phải vì không được chăm sóc chu đáo, mà vì các cháu đã mang sẵn trong người những căn bệnh nghiệt ngã”.

Do vậy, khi xuất bản tập thơ “Hẹn nhau từ huyền thoại” (NXB Hội Nhà văn) anh phát nguyện dành toàn bộ số tiền phát hành tập thơ (không trừ lại chi phí) ủng hộ Quỹ từ thiện - xã hội Báo SGGP để giúp các bé ở Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè (TPHCM). Việc xuất bản tập thơ đã thành cầu nối những tấm lòng nhân ái, được nhiều anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc, người yêu thơ và nhà hảo tâm đồng cảm, tin cậy và nhiệt thành ủng hộ. 

Sau 2 tháng phát hành tập thơ, Quỹ từ thiện - xã hội Báo SGGP đã tiếp nhận tổng cộng 60.357.000 đồng của các anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc, người yêu thơ và nhà hảo tâm mua sách, ủng hộ từ thiện. Ngoài ra, còn có 2 nhà hảo tâm ủng hộ bằng hiện vật (khoảng 25 triệu đồng). Chị Phạm Thị Ngọc Dung (ở phường 4, quận 8, TPHCM) tặng 270 lồng đèn trung thu và 360 bịch bánh snack; chị Phạm Thị Huân (Ba Huân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ba Huân) tặng 600 gói xúc xích và 3.000 trứng gà. Vậy là năm nay các cháu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè đã có một Trung thu yêu thương.

Ban đầu, Báo SGGP dự định tổ chức Trung thu cho các cháu vào đúng rằm tháng 8 âm lịch, nhưng khi bàn bạc, các cô ở Trung tâm góp ý tổ chức sớm để tạo không khí Trung thu cho các cháu, cho các cháu được sống với niềm vui Trung thu thêm nhiều ngày. Và rồi, chương trình Trung thu yêu thương đã diễn ra đong đầy tình yêu thương, chia sẻ. Buổi lễ kết thúc, nhưng các cháu vẫn bịn rịn, quyến luyến, chẳng chịu chia tay cô Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Lý Việt Trung và các anh chị đoàn viên thanh niên Báo SGGP. Nắm tay, gọi tên từng người, cháu Trang dặn dò: “Mai mốt, nhất là cuối tuần, ngày lễ tết, các cô chú nhớ ghé thăm tụi con nha. Tụi con mong chờ lắm đó!”.

Tin cùng chuyên mục