Trực tiếp hay gián tiếp

Sau hơn 2 tuần thi đấu, Olympic mùa đông 2018, tổ chức tại Pyeong Chang, Hàn Quốc, đã khép lại bằng lễ bế mạc hoành tráng, cảm động. 
Đây có lẽ là lần đầu tiên khán giả Việt Nam được tận mắt chứng kiến màn so tài ở các môn thể thao còn quá lạ lẫm, nếu không muốn nói là xa lạ với một đất nước vốn chỉ sống nhờ bóng đá.
Có được những trải nghiệm thú vị này là nhờ nước tổ chức không quá xa xôi, đến nơi cũng chỉ vài tiếng máy bay. Và nhất là nhờ nỗ lực không nhỏ của những người làm truyền hình đã dành thời lượng đến 8 giờ/ngày để phản ánh các hoạt động trên kênh VTV6, từ bình luận, phản ánh các hoạt động bên lề, đến tường thuật trực tiếp và gián tiếp gần như tất cả bộ môn thi đấu. Có thể nói nhờ sóng truyền hình quốc gia, chúng ta đã phần nào yêu thích các bộ môn thể thao vua ở các nước ôn đới và thế giới, dường như tuyết đã rơi ở Hà Nội hay TPHCM.
Nhưng niềm vui không trọn vẹn khi sóng truyền hình cứ chập chờn đâu đó, đặt ra câu hỏi về tính chuyên nghiệp và bản lĩnh của nhà đài. Đơn cử như 2 môn thi đấu đỉnh cao, thể hiện vẻ đẹp và tính đối kháng của các môn thể thao mùa đông - là trượt băng nghệ thuật và khúc côn cầu trên băng - dù được truyền hình trực tiếp, song hết sức vụn vặt, ngắt quãng, đem lại cảm giác không hài lòng ở người xem. Ở môn thi trượt băng nghệ thuật, trong ngày thi đấu môn thi tự chọn dài trên dưới 5 phút cho mỗi vận động viên, nhà đài chỉ phát sóng trực tiếp màn biểu diễn của nhóm vận động viên tốp dưới, rồi đến phần thi đấu của nhóm tranh chấp huy chương thì tạm dừng phát sóng… và MC nhà đài nói gọn lỏn, khán giả có thể xem lại trong các bản tin chiều và tối. Nghĩa là xem trực tiếp khi… đã biết kết quả. Ai cũng thông cảm với nhà đài vì lịch phát sóng đã lên từ trước rồi có thể có chương trình “xã hội hóa” có tài trợ không thể không phát đúng giờ. Nhưng còn nguyên cảm giác không hài lòng khi sau đó trên mạng đầy rẫy hình ảnh, video clip về cuộc thư hùng của 2 cô gái Nga, với những giọt nước mắt tiếc nuối làm tan chảy băng ở nhà thi đấu xứ kim chi.
Tiếp đó, vào ngày cuối cùng ở Pyeong Chang, khi cả thế giới dán mắt vào màn hình theo dõi trận chung kết khúc côn cầu trên băng giữa đội tuyển Đức và Nga thì VTV6 đã làm khác: Chưa hết hiệp 1, vào lúc 11 giờ 30, sóng đài đã tạm dừng phát, để dành chỗ cho một chương trình ca nhạc… phát lúc nào cũng được. Mà nhà đài không biết trận đấu này thực sự là một viên ngọc lấp lánh trên vương miện nữ hoàng mùa đông mà nhiều năm sau chưa chắc đã xảy ra. Một trận đấu kỳ vĩ, có thể so sánh với trận cầu của đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam, đến mức sau đó người ta nói chưa bao giờ lượng thuốc trợ tim validol bán chạy đến vậy!
Chỉ tiếc cho khán giả Việt Nam đã không được theo dõi trọn vẹn những cuộc so tài hấp dẫn, có sức lan tỏa toàn cầu. Chúng ta giống như người đọc truyện trinh thám mới đọc phần mở đầu đã biết… hung thủ là ai?! 

Tin cùng chuyên mục