Trục lợi từ thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng (TPCN) không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh như thuốc và không thể thay thế thuốc chữa bệnh. 
Vì thế từ tháng 5-2016, Bộ Y tế đã ban hành quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú với yêu cầu cấm tuyệt đối y, bác sĩ kê đơn TPCN vào đơn thuốc. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Da liễu trung ương không khỏi bất ngờ và rất bức xúc khi khám xong thì ngoài đơn thuốc, bác sĩ còn “bồi” thêm đơn tư vấn toàn TPCN. Chia sẻ với báo chí, nữ bệnh nhân B.T.M. (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chị bị bệnh bạch biến, sau khi khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương, ngoài đơn thuốc, bác sĩ còn kê đơn tư vấn gồm nhiều loại TPCN như: Cao quả kiwi cứng, Crystallne cellulose, Magnéium sterate... Theo hướng dẫn của bác sĩ, chị M. ra hiệu thuốc mua thuốc và TPCN và lúc thanh toán, chị M. tá hỏa khi phải trả gần 3 triệu đồng trong đó chỉ có khoảng 700.000 đồng tiền thuốc, còn lại là TPCN.
Nhiều bệnh nhân khác cũng rơi vào tình trạng như chị M., họ đã phải mất số tiền lên tới hàng triệu đồng, trong đó giá trị thuốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với khoản chi phí dành cho TPCN. 
Đáng buồn hơn không chỉ có bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Da liễu trung ương phải bỏ ra nhiều tiền để mua TPCN theo hướng dẫn của thầy thuốc mà tại không ít bệnh viện, phòng khám khác trong cả nước cũng xảy ra tình trạng này. Nhiều y, bác sĩ vẫn cố tình đưa TPCN vào đơn thuốc cho người bệnh, hoặc biến tướng “lách luật” tinh vi bằng cách tư vấn, hoặc đưa thêm nhiều loại TPCN cho người bệnh sử dụng dù có không ít những loại chẳng có tác dụng hỗ trợ gì trong quá trình điều trị.
Trong khi đó, bệnh nhân không biết đâu là thuốc, đâu là TPCN, chỉ biết khi thấy thầy thuốc kê đơn là vội vàng đi mua. Vì thế việc không ít y, bác sĩ bất chấp quy định của Bộ Y tế, cố tình kê đơn TPCN đang không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người bệnh mà còn khiến dư luận xã hội, cộng đồng bức xúc và hoàn toàn có quyền cho rằng nhiều y, bác sĩ đang “bắt tay” với doanh nghiệp sản xuất, phân phối dược phẩm và TPCN, lạm dụng kê đơn TPCN để trục lợi, móc túi tinh vi trên sức khỏe của người bệnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh cứ oằn lưng ra mà gánh chịu chi phí thuốc men mỗi khi đi viện, còn không ít y, bác sĩ lại được hưởng lợi một cách... “chính đáng”!?
Cách đây không lâu, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế TPHCM phải làm rõ và xử lý nghiêm việc một bác sĩ của Bệnh viện Quận 5 đã viết thư tay cho một công ty dược phẩm đòi ăn chia đúng “hoa hồng” dựa trên số lượng bán hàng chủ yếu là TPCN mà vị bác sĩ này kê trong đơn thuốc cho bệnh nhân. Trong khi đó, qua điều tra của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, có những bệnh viện, bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân, nhưng có tới 20% - 30% thành phần được kê trong đơn không phải là thuốc mà chỉ là các thuốc bổ hỗ trợ và TPCN. Trong đó nguyên nhân chính của tình trạng này bắt nguồn từ việc cấu kết giữa cán bộ y tế trong bệnh viện với trình dược viên và các nhà sản xuất dược phẩm và TPCN để ăn chia phần trăm tiền bán thuốc và TPCN. 

Cũng phải thấy rõ bản chất của TPCN không phải là thuốc, chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nên người bệnh nếu có điều kiện, có nhu cầu thì sử dụng, còn không là quyền của họ. Tuy nhiên khi thầy thuốc kê đơn có TPCN kèm theo chỉ dẫn, ghi chú dặn dò “uống hết thuốc, tới khám lại” đang khiến nhiều người lầm tưởng, hoặc có tâm lý đây là đơn thuốc bắt buộc phải mua dùng, khó lòng từ chối.
Để hạn chế việc lạm dụng việc đưa TPCN vào đơn thuốc và quá trình điều trị, người bệnh cần tìm hiểu kỹ từng loại thuốc, TPCN đã được bác sĩ kê xem có phù hợp với tình trạng bệnh lý của mình hay không. Nếu bác sĩ có kê thuốc bổ hoặc TPCN thì nên cân nhắc và hỏi chắc chắn lại bác sĩ việc kê đơn xem có thật sự cần thiết phải sử dụng trong quá trình điều trị hay không.
Theo quy định hiện hành, trường hợp kê đơn sai quy chế, cán bộ y tế ngoài việc bị xử phạt hành chính bằng tiền, còn phải chịu các hình thức kỷ luật của đơn vị quản lý. Vì vậy, Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương và các bệnh viện cần phải tăng cường giám sát, thanh kiểm tra và xử lý thật nghiêm các trường hợp cán bộ y tế lợi dụng việc kê đơn để trục lợi từ người bệnh. Tuy nhiên, quan trọng hơn khi đã kê đơn thì người thầy thuốc phải có trách nhiệm về đơn thuốc của mình trước người bệnh và với chính lương tâm của họ.                                

Tin cùng chuyên mục