Trông người, ngẫm ta

Câu chuyện về bộ phim đầu tiên của điện ảnh Hàn Quốc giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes - Ký sinh trùng - đang là đề tài được bàn tán sôi nổi ở Việt Nam. Phải chăng phim nghệ thuật mặc nhiên là không ăn khách, đâu là lý do khiến điện ảnh Hàn đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ những năm qua? 
Trông người, ngẫm ta

Thu gần 15 tỷ đồng sau 3 ngày khởi chiếu, Ký sinh trùng là bộ phim Hàn có doanh thu chiếu sớm cao nhất Việt Nam. Có thể coi đây là kỳ tích mà ngay cả ê kíp phát hành cũng không dám nghĩ đến.

Theo chuyên trang điện ảnh Moveek, ngày cao nhất phim đã đạt gần 1.800 suất chiếu, một con số ấn tượng với phim nghệ thuật. Không chỉ thể hiện bằng những con số, Ký sinh trùng còn góp phần làm được một điều đặc biệt hơn, đó là tiếp cận khán giả đại chúng. 

Tham chiếu điện ảnh Việt khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm phim nghệ thuật kén khán giả tồn tại như một điều tất yếu và giới làm nghề cũng mặc nhiên chấp nhận điều đó. Thực tế cho thấy, hàng loạt phim nghệ thuật Việt, kể cả những phim đoạt không ít giải thưởng ở nước ngoài như: Bi ơi đừng sợ, Đảo của dân ngụ cư, Song lang, Đập cánh giữa không trung, Chơi vơi… ra rạp đều nhanh chóng “chết yểu”. Ai cũng nói, gu thưởng thức của khán giả hiện nay đã tăng lên rất nhiều, vậy điều này có mâu thuẫn? 

Điều thú vị nhất, Ký sinh trùng dù lấy bối cảnh xã hội Hàn Quốc nhưng lại phản ánh những vấn đề thời sự đương đại không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác. Chính tính đại chúng ấy khiến người xem khám phá ra những tầng nghĩa khác nhau. Sự khác biệt ấy chính là mấu chốt. Nhiều phim nghệ thuật nước ngoài, hay cả phim nghệ thuật Việt đã phát hành trước đây, chỉ phản ánh góc nhỏ bé nào đó về những thân phận con người trong xã hội, không mang tính khái quát cao; nó thiên về cái tôi chủ quan của nhà làm phim. Đây có lẽ là bài học lớn đối với những nhà làm phim nghệ thuật Việt Nam.

Nhìn rộng ra, trong những năm gần đây, điện ảnh Hàn có sự phát triển nhanh chóng và dần khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh thế giới. Tất cả nhờ vào chiến lược phát triển với tầm nhìn xa, bài bản, chuyên nghiệp. Số lượng phim Hàn Quốc ra rạp luôn tăng đều qua các năm và chiếm tỷ lệ 40%-60% toàn thị trường. Hàn Quốc cũng áp dụng hạn ngạch giới hạn số lượng phim nước ngoài nhập vào nước này, quy định rõ số ngày tối thiểu phim Hàn chiếu tại rạp. 

Đặc biệt, ngay từ năm 1973, Ủy ban Chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc (nay là Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc - KOFIC), một cơ quan đặc biệt trực thuộc Bộ VH-TT-DL, ra đời có nhiệm vụ hỗ trợ sự phát triển và quảng bá phim Hàn. Các chương trình hỗ trợ của KOFIC gồm: điều hành quỹ điện ảnh, sản xuất và phát hành phim, mở rộng hoạt động tại nước ngoài, quản lý hệ thống thông tin phòng vé… Năm 2007, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nước này ra đời, Chính phủ Hàn Quốc đã đóng góp 180 triệu USD và thu 3% từ doanh thu phòng vé mỗi năm. Ở phương diện khác, từ hơn 20 năm trước, Chính phủ Hàn Quốc đã gửi các tài năng trẻ sang Hollywood để học và giờ họ đã phát huy ở mức cao nhất. 

Bài học từ điện ảnh Hàn Quốc thật sự thấm thía với điện ảnh Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục