Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm:

Trong một số vụ tụ tập đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự được thuê mướn ​

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trong một số vụ tụ tập biểu tình đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy (có cả đối tượng nhiễm HIV), với tâm lý “sống ảo”, thích được thể hiện và được thuê mướn tham gia biểu tình.

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm gửi đến ĐBQH (phục vụ hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH chiều 13-8), thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên phạm vi cả nước nói chung và tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp nói riêng tiếp tục được giữ vững; tuy nhiên, còn nhiều diễn biến phức tạp. 

Phát hiện nhiều đối tượng hình sự được thuê mướn 

Các thành phố lớn, các khu công nghiệp là nơi tập trung các cơ sở chính trị, kinh tế quan trọng, tập trung đông dân cư nên cũng là địa bàn tập trung chống phá của các thế lực thù địch, phản động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc; triệt để lợi dụng các “sự kiện” nhạy cảm hoặc cố tình tạo ra các “sự kiện”… để xuyên tạc tạo sự hoài nghi, hình thành tâm trạng bức xúc trong một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân từ đó kích động tập trung đông người, tuần hành gây rối, leo thang các hoạt động bạo lực, cực đoan, khủng bố phá hoại.

Riêng tại TPHCM xảy ra 2 vụ khủng bố bằng bom xăng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và vụ khủng bố bằng chất nổ tại trụ sở Công an phường 12, Tân Bình.

Đáng lưu ý, trong một số vụ tụ tập biểu tình đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự, ma túy (có cả đối tượng nhiễm HIV), với tâm lý “sống ảo”, thích được thể hiện và được thuê mướn tham gia biểu tình (từ 200.000 – 400.000 đồng/lần tham gia), với hành vi tham gia rất manh động, liều lĩnh, là cốt cán trong các hoạt động gây rối, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản, kể cả thực hiện hành vi khủng bố, phá hoại.

Trong một số vụ tụ tập đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự được thuê mướn ​ ảnh 1  Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Tình hình hoạt động của tội phạm tại các thành phố lớn diễn ra phức tạp. 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) chiếm khoảng 25% số vụ phạm pháp hình sự toàn quốc; Riêng Hà Nội và TPHCM chiếm khoảng 20%. 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hoà, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang) chiếm khoảng 45 - 50% cả nước.

Hoạt động của tội phạm tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TPHCM được kiềm chế và giảm về số vụ, nhưng vẫn nổi lên phức tạp là hoạt động của tội phạm có tổ chức (chủ yếu dưới các dạng băng nhóm đâm thuê, chém mướn, bảo kê bến bãi, kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, quán bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ; tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê...); tội phạm giết người, cố ý gây thương tích; tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản trên đường phố...

Đáng lưu ý, các đối tượng hoạt động rất manh động khi bị phát hiện sẵn sàng dùng hung khí tấn công lại người dân gây lo lắng trong nhân dân, điển hình là vụ nhóm đối tượng trộm cắp ở TPHCM khi bị người dân truy đuổi đã tấn công lại làm 2 người chết, 3 người bị thương...

Tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, theo người đứng đầu ngành công an, “còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là hoạt động kích động công nhân đình công, lãn công, tham gia biểu tình trái pháp luật; các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến; các băng nhóm tội phạm có tổ chức (chủ yếu là các đối tượng hình sự bên ngoài, câu kết với các phần tử xấu trong công nhân) thực hiện các hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản của công nhân; tổ chức các hoạt động cho vay nặng lãi, cờ bạc, mại dâm... sẵn sàng gây ra các vụ đâm, chém, siết nợ, đòi nợ thuê, gây phức tạp tình hình tại các khu công nghiệp tập trung đông công nhân”.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc triển khai toàn diện các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh trật tự chung trên phạm vi toàn quốc, trong đó xác định các địa bàn trọng điểm cần ưu tiên là các thành phố lớn, các khu công nghiệp.

Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn phức tạp về trật tự xã hội; Đề án xây dựng xã, phường không có tệ nạn ma túy. Tại các khu công nghiệp, triển khai việc thành lập một số Đồn Công an để đảm bảo phù hợp với tính chất, nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các địa bàn đặc thù. Riêng về đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự đã xác định 18 địa bàn trọng điểm, trong đó có 10 địa bàn phức tạp nhất về tội phạm có tổ chức để tập trung chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả...

Công an các tỉnh, thành phố đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai toàn diện giải pháp công tác bảo đảm an ninh, trật tự với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn; xây dựng các phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại lớn diễn ra trên địa bàn các tỉnh, thành phố; đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động, nhất là hoạt động kích động biểu tình trái pháp luật. Công an các tỉnh giáp ranh Hà Nội và TPHCM đã ký các quy chế phối hợp trong công tác nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động lưu động. Thường xuyên tổ chức tổng kiểm tra nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quản lý vũ khí, vật liệu nổ góp phần phòng ngừa tội phạm; duy trì và nhân rộng mô hình kết hợp lực lượng tuần tra kiểm soát phòng, chống tội phạm (mô hình 141 của Công an Hà Nội).

Xuất hiện tình trạng khách nước ngoài làm ảnh hưởng an ninh tiền tệ quốc gia
Theo người đứng đầu ngành công an, nổi lên là tình trạng trộm cắp, mua bán thông tin thẻ tín dụng để làm giả thẻ thanh toán dịch vụ, rút tiền qua máy ATM hoặc mua hàng hóa tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đã xuất hiện tình trạng khách du lịch nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, thực hiện giao dịch bằng các thẻ nội địa do ngân hàng nước ngoài phát hành tại máy mPOS (máy chấp nhận thanh toán thẻ không dây, có thể sử dụng ở bất kỳ vị trí nào chỉ với một chiếc sim điện thoại 3G), không thông qua hệ thống ngân hàng và trung gian thanh toán Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia.
Trong một số vụ tụ tập đã phát hiện nhiều đối tượng hình sự được thuê mướn ​ ảnh 2 Công nghệ thanh toán mPOS
Một diễn biến khác đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, là việc một số đối tượng sử dụng dịch vụ cuộc gọi thoại trên nền Internet (VoIP) giả danh các cơ quan pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát...) gọi điện cho người dân để đe dọa, nhắc nợ cước viễn thông hoặc vi phạm pháp luật, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của chúng để chiếm đoạt diễn ra ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Whatsapp..) diễn biến phức tạp, nổi lên là tình trạng người nước ngoài câu kết với một số người Việt Nam làm quen với người bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị, sau đó giả mạo nhân viên hải quan gọi điện yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt.
Hình thành một số tụ điểm tội phạm sử dụng công nghệ cao chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhắn tin thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội.
Hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp dù được các cơ quan chức năng tập trung quản lý, giám sát nhưng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi.
Có thể đến một số chiêu thức phổ biến như lập website để tổ chức huy động vốn trả lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản; lập và tạo ra nhiều sàn giao dịch các loại tiền điện tử hoạt động theo mô hình đa cấp như: Onecoin, Bitcoin, ILcoin, Gemcoin... để thu hút các nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc kinh doanh tiền điện tử trái phép để rửa tiền, ship hàng, trả tiền cá độ bóng đá...
Các đối tượng thành lập các công ty, giả mạo các dự án của công ty nước ngoài huy động vốn trả lãi suất và hoa hồng theo mô hình đa cấp để chiếm đoạt tài sản của người tham gia.
Tình trạng đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng Internet diễn ra rất phức tạp, số tiền đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Các đối tượng nhà cái ở nước ngoài thường móc nối với các đối tượng trong nước (các đại lý) xây dựng các đường dây lớn tổ chức cho cả người Việt Nam và người nước ngoài, báo cáo của Bộ trưởng nêu rõ.
Báo cáo về kết quả đấu tranh, Bộ trưởng cho biết lực lượng công an các cấp đã làm tốt công tác nắm tình hình, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Năm 2016 đã phát hiện, khởi tố điều tra 217 vụ, 493 bị can phạm tội sử dụng công nghệ cao (nhiều hơn 75% số vụ và 129,3% số bị can so với năm 2015).
Năm 2017, đã phát hiện, khởi tố điều tra 197 vụ, 359 bị can (ít hơn 9,22% số vụ và 27,18% số bị can so với năm 2016). Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, đã khởi tố điều tra 117 vụ, 196 bị can (giảm 13,97% vụ, tăng 4,26% bị can so với cùng kỳ năm 2017).
Trong đó đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ án lớn như: vụ án Công ty CNC tổ chức đánh bạc, đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài với gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc; 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2 trên phạm vi toàn quốc để giao dịch mua, bán Rik (tiền ảo) với tổng số tiền thu lợi bất chính trên 9.853 tỷ đồng, thu giữ trên 1.760 tỷ đồng; khởi tố điều tra, làm rõ 105 bị can về các tội danh liên quan.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan, doanh nghiệp và người dân lại chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo mật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, chủ quan với các cảnh báo an ninh, an toàn mạng.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa chú trọng đến đầu tư hệ thống bảo mật thông tin của đơn vị mình. Khách hàng, người sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, mạng xã hội còn chủ quan, mất cảnh giác là nguyên nhân lớn gây ra tình hình tội phạm.
Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực này, theo Bộ trưởng còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp với diễn biến của tình hình. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy đã được quan tâm xây dựng, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ Công an rút kinh nghiệm những bài học xương máu cho ngành công an

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) hỏi về việc Bộ Công an đã cấp 500 biển số xanh sai quy định, đã xử lý đến đâu.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc cấp biển số này “cơ bản là đúng với Thông tư của Bộ”, nhưng cũng có những vận dụng không đúng, nên Bộ Công an đã tiến hành thu hồi gần như toàn bộ 500, hiện chỉ còn 20 biển chưa thu hồi được, do xe hết hạn lưu hành, hoặc đơn vị đó giải tán. Đồng thời, Bộ cũng đã kiểm điểm các đơn vị, cá nhân cấp sai, khiến dư luận không đồng tình. ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý tiếp tục tranh luận: “Bộ trưởng nói thực hiện đúng Thông tư của Bộ thì sao lại thu hồi? Xe mang biển cấp sai vẫn lưu hành, tại sao không thu hồi được biển”? Bộ trưởng Tô Lâm sau đó cho biết “vẫn đang tiếp tục truy tìm xe để thu hồi triệt để các biển số cấp không đúng”.  

Tiếp tục truy vấn về vi phạm pháp luật của một số sĩ quan, tướng lĩnh trong lực lượng công an thời gian qua gây bất bình dư luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội chất vấn: “Sau vụ Vũ nhôm, Bộ đã rà soát lại những tổ chức như của Vũ nhôm chưa? Giải pháp trong thời gian tới như thế nào”? Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề cập đến tình trạng chiếm đoạt Quỹ bảo trì chung cư của một số doanh nghiệp ngành công an và cho rằng đây là hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng”.

Liên quan đến những vi phạm pháp luật trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia vừa qua, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu vấn đề: “Các lực lượng công an địa phương có trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra vi phạm gian lận thi cử?”. Đây cũng là vấn đề được Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh. Bà Hải nói: “Lực lượng công an có mở rộng phạm vi điều tra gian lận thi cử không? Thời gian điều tra bao lâu? Việc này ảnh hưởng lớn đến quyền học tập của các thí sinh khác”.

Không né tránh những vấn đề liên quan đến nội bộ ngành, Bộ trưởng Bộ Công an  cho biết, đây là những bài học xương máu, đau xót cho ngành công an và cam kết sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh và “không có giới hạn nào trong điều tra, xử lý tội phạm để đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, kể cả cán bộ chiến sĩ trong ngành”.

Về vụ việc gian lận thi cử, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã phối hợp các địa phương có liên quan khởi tố 3 vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong tổ chức thi cử… “Đúng là cũng đã có những thủ đoạn rất tinh vi. Lực lượng công an tham gia nhiều khâu trong tổ chức thi cử theo quy trình cụ thể, chúng tôi cũng đã phát hiện có dấu hiệu có vi phạm và đang điều tra làm rõ”. Người đứng đầu ngành công an một lần nữa nhấn mạnh, kể cả công an nếu phát hiện có vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng.

Tin cùng chuyên mục