Trồng cam Vinh trên đất Quảng

Là người tiên phong trồng cam Vinh trên đất Quảng Nam, đến nay ông Phạm Xuân Thắng (thôn Éo, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã tạo được vườn cam hơn 1ha với hơn 500 gốc, cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cam mỗi năm. 
Vườn cam Vinh của ông Thắng thành công trên vùng đất Quảng Nam
Vườn cam Vinh của ông Thắng thành công trên vùng đất Quảng Nam

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cam, ông Thắng chia sẻ quá trình đưa cam Vinh về đất Quảng. Năm 1979, ông Thắng từ Hà Tĩnh vào đóng quân tại Đông Giang. Sau thời gian quân ngũ, ông quyết định ở lại xã Ba để lập nghiệp.

Trên mảnh đất vùng cao này, đa số người dân là đồng bào Cơ Tu đã chọn cây lúa để phát triển kinh tế, nhưng với đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, việc làm nông đã gặp nhiều khó khăn, mất mùa liên tục. Vốn là người ham học hỏi, ông Thắng đã tìm tòi các loại cây có thể “trụ” được ở vùng đất này. Ông quyết định nhờ người mua giống cam Vinh gửi vào để trồng thử nghiệm. 

Năm 2002, ông Thắng mở vườn trồng cam với 40 gốc. Dù đã tìm hiểu kỹ về quy trình trồng và chăm sóc nhưng khoảng thời gian đầu, lứa cam chất lượng không cao, không thu hút được khách hàng. “Lần đó, tôi đã nghĩ đất ở đây không phù hợp để trồng giống cam này. Thế là tôi bỏ ngang không nghiên cứu, chăm bón gì nữa. Một thời gian sau, chỉ còn 10 gốc, số còn lại đều chết khô”, ông Thắng trải lòng.

Mỗi ngày sau khi ra đồng về, ông Thắng lại thức trắng đêm tìm hiểu về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cam. Năm 2010, ông Thắng quyết định khôi phục lại vườn cam với 25 gốc và đã xuất ra thị trường gần 1,3 tấn cam. Nhận thấy nguồn lợi từ việc trồng cam, ông mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng diện tích. Ông phát quang bụi cỏ, mở vườn cam rộng 1ha với 400 gốc cam Vinh và 100 gốc quýt. Đầu tư thành công, ông thu về gần 100 triệu đồng. Giá cam bán ra thị trường giao động 30.000 - 35.000 đồng/kg, nếu vào dịp tết và các ngày rằm giá còn cao hơn.

Bà Trần Thị Việt (54 tuổi, vợ ông Thắng) là người đã đồng hành cùng ông từ những ngày đầu đào đất trồng cam, chia sẻ: “Mang được giống cam ngoài Vinh vào đây, chúng tôi thật sự rất vui. Mình trồng cam vừa làm kinh tế, vừa đỡ nhớ quê nên mỗi gốc cam chúng tôi chăm sóc rất kỹ để cho ra những quả cam sạch và ngon nhất”.

Ông Thắng cho biết, để cho ra những quả cam sạch, ông sử dụng phần lớn phân hữu cơ. Theo ông, phân hữu cơ rất thích hợp với giống cam Vinh, giúp cho cây phát triển tốt, lá xanh mướt, trái căng tròn, có vị ngọt thanh, hương thơm dịu. Phân hữu cơ còn có tác dụng tốt trong việc cải tạo đất, làm đất tơi xốp.

Nói về những khó khăn, ông Thắng cho biết: “Khó khăn nhất là nguồn nước tưới. Chúng tôi phải đào giếng để tìm mạch nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động để đảm bảo được độ ẩm cho đất”. Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông cho biết sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn để tăng số gốc cam, hướng đến mục tiêu cung cấp sản phẩm cho các siêu thị và chợ lớn. Ông sẽ trồng thêm bưởi da xanh để tăng thu nhập, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Theo mô hình của ông Thắng, đến nay trong thôn có 4 hộ trồng cam với hơn 400 gốc, mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định.

Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền ông Thắng được tuyên dương trong các hội nghị của huyện Đông Giang, là một trong những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện. Ông cũng là người được chọn thuyết trình, giới thiệu về mô hình trồng cam trong các buổi tổng kết công tác Đảng và phong trào nông dân thi đua sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Bom (Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba) cho biết: “Ông Phạm Xuân Thắng là một trong những tấm gương để người dân trong thôn xã học hỏi. Ông vừa hoạt động tốt trong công tác Đảng với vai trò là Bí thư chi bộ thôn, vừa làm kinh tế giỏi tại địa phương. Mô hình trồng cam của ông đã tạo nên tiếng vang trong xã, là mô hình mẫu cho người dân địa phương làm theo”.

Tin cùng chuyên mục