Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa: Đảo lộn bàn cờ chính trị

Ngày 8-7, 2 máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Mỹ đã đến Bán đảo Triều Tiên để tham gia tập trận với Lực lượng không quân Hàn Quốc. 
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên
Cùng ngày, kênh CNN dẫn nguồn tin từ Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) cho hay, nước này sẽ sớm tiến hành một đợt thử nghiệm mới Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong tháng 7 này. Những động thái được xem là gửi lời răn đe đến Triều Tiên, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tới bang Alaska của xứ cờ hoa.
Chưa thể đánh chặn
Các nhà chiến lược Mỹ lâu nay vẫn phải bất lực chứng kiến các tiến bộ kỹ thuật của Triều Tiên. Từ nhiều năm qua, các kỹ sư Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, về lý thuyết có thể bắn đến Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ. Việc Triều Tiên vừa bổ sung vào kho vũ khí này một ICBM loại Hwasong-14 là phù hợp với các dữ liệu của tình báo Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông David Wright, đồng Giám đốc của Trung tâm UCS Global Security giải thích, tầm bắn này chưa đủ để chạm đến 48 tiểu bang Mỹ hoặc đảo Hawaii, nhưng có thể bay đến Alaska. Jeffrey Lewis của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cảnh báo, Hwasong-14 có thể bay xa 10.000km với đầu đạn nhỏ.
Triều Tiên thử tên lửa xuyên lục địa: Đảo lộn bàn cờ chính trị ảnh 1 Hệ thống THAAD được triển khai tại Mỹ và Hàn Quốc không đủ khả năng chống ICBM
Giới quan sát nhận định, tên lửa của Triều Tiên đang đặt ra cho Mỹ những nỗi lo thật sự bởi chưa có hệ thống phòng thủ nào có thể tự vệ trước loại tên lửa này. Hệ thống THAAD được Mỹ lắp đặt trên lãnh thổ nước này và Hàn Quốc không thể bắn hạ ICBM. Quân đội Mỹ và Nhật sở hữu các chiến hạm trang bị hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo Aegis, nhưng chủ yếu nhằm bảo vệ các tàu chiến. Theo Los Angeles Times, Washington đặt hy vọng vào hệ thống đánh chặn GMD (Ground Based Midcourse Defense) vừa phức tạp vừa tốn kém. Hệ thống này nhận ra ICBM và phóng đi tên lửa để phá hủy ICBM ở độ cao 600km. Tháng 5 vừa qua, quân đội Mỹ loan báo thử nghiệm thành công GMD, tuy nhiên hệ thống này chỉ có thể đi vào hoạt động trong nhiều năm tới.
Không có chiến lược thực sự
Hwasong-14 bắn đi đúng vào dịp Quốc khánh Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây coi việc phóng hỏa tiễn liên lục địa là lằn ranh đỏ, nay giảm nhẹ sự việc. Ông Trump viết trên Twitter cá nhân rằng, chắc là gã này (ý nói nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un) chẳng có việc gì khác để làm trong đời? Tờ Liberation dẫn lời các chuyên gia nhận định, ông Donald Trump đang bế tắc trong vấn đề Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm ngày 3-7, ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cùng một nhận định, đó là quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang xấu đi. Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ hành động đơn phương trong hồ sơ Triều Tiên, không cần đến Trung Quốc. Chỉ 24 giờ sau đó, Bình Nhưỡng thử thành công ICBM. Hy vọng dùng Trung Quốc để giải quyết vấn đề Triều Tiên của ông Trump đã không mang lại kết quả. Chủ trương của Tổng thống Trump cho đến nay là gắn liền triển vọng của quan hệ Mỹ - Trung với việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, những tiến triển trong vấn đề này sẽ không thể nhanh chóng. Nói một cách khác, Washington sẽ khó có thể trông cậy ở Bắc Kinh.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ William Perry, vụ bắn thử tên lửa xuyên lục địa vừa qua làm thay đổi mọi tính toán, thu hẹp các giải pháp của Mỹ trong vấn đề này. Ông Perry là người từng chủ trương đánh phủ đầu để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Năm 2006, ông ủng hộ việc tấn công trực tiếp để phá hủy các tên lửa ngay trên bệ phóng. Tuy nhiên, cựu lãnh đạo quốc phòng Mỹ cũng từng thừa nhận là ý tưởng này đã lạc hậu, bởi hiện tại Bình Nhưỡng đã phát triển được một hệ thống quá đa dạng, khiến chiến thuật này bị vô hiệu hóa.
Trong khi đó, nhiều nhà quan sát đã chỉ ra tính mơ hồ trong chiến lược của ông Trump. Khác với Tổng thống George W. Bush, sau vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên năm 2016, đã đặt ra một lằn ranh đỏ, đó là Bình Nhưỡng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia hay một tổ chức khủng bố. Còn đối với ông Trump, đã không có một lằn ranh đỏ rõ ràng. Viết trên Twitter cá nhân hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ chỉ tuyên bố chung chung là Triều Tiên sẽ không thể có được tên lửa tấn công Mỹ. Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên thuộc tổ chức tư vấn Hội đồng đối ngoại (CFR) của Mỹ thừa nhận, chính quyền Mỹ không có một chiến lược thực sự trong giai đoạn hiện tại.
Tạo vị thế
Sự kiện phóng tên lửa ICBM của Triều Tiên thực sự đã làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị. Triều Tiên giờ không chỉ có trong tay vũ khí răn đe thực sự mà còn tạo được thế cho các cuộc thương lượng với cộng đồng quốc tế, một mục tiêu khác đằng sau những hành động quân sự.
Chuyên gia Kim Yong-hyun, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc nhận định, Bình Nhưỡng tuyên bố họ phát triển vũ khí hạt nhân bởi mối đe dọa của gần 30.000 quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là lý do để Bắc Triều Tiên đi tìm một thế mạnh trong các cuộc mặc cả ngoại giao với phần còn lại của thế giới, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc. Triều Tiên luôn khẳng định không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân nếu như Washington không từ bỏ chính sách thù địch nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới quan sát nhận thấy, việc chọn thời điểm phóng tên lửa đúng vào Quốc khánh Mỹ không phải là ngẫu nhiên. Đây là một thông điệp gửi tới Washington rằng, Bình Nhưỡng đủ khả năng đe dọa Mỹ.
Trước đó trong cuộc gặp tổng thống Mỹ tại Washington cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tỏ thiện chí đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và Hàn Quốc muốn là chủ trì các cuộc thương lượng với Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên cho thấy, họ mới là người áp đặt các cuộc đàm phán. Phần đông các chuyên gia đều có chung nhận định, cuối cùng rồi Washington cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác là đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong viễn cảnh đó, Triều Tiên vẫn luôn chuẩn bị một vị thế cho mình khi ngồi vào đàm phán. Từ nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên đã ít nhiều thành công trong việc mặc cả với cộng đồng quốc tế qua các hành động khiêu khích kiểu như lần này.
Chuyên gia Cho Ham-bum thuộc Viện nghiên cứu Triều Tiên khẳng định, vụ thử tên lửa ICBM lần này là một tính toán kỹ lưỡng mới của Bình Nhưỡng. Dù là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhưng hành trình bay của đầu đạn không đi quá xa vùng biển Nhật Bản, tránh bay qua lãnh thổ của đồng minh châu Á chủ chốt của Mỹ. Các hành động của Triều Tiên có thể hiểu như là một sự đáp trả những tuyên bố cứng rắn chứa đựng không ít hăm dọa quân sự của chính quyền Tổng thống Trump đối với Bình Nhưỡng.
Sự kiện phóng tên lửa đạn đạo lần này dù gì cũng đã thay đổi đáng kể các cách tiếp cận ngoại giao của quốc tế đối với Triều Tiên và chính quyền Donald Trump thì ít nhiều phải chịu áp lực buộc họ phải phản ứng. Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố hết kiên nhẫn chiến lược và không loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự nếu gặp phải các khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố. Đến giờ Washington chỉ còn giải pháp là tiếp tục hối thúc Bắc Kinh gia tăng áp lực mạnh hơn với Triều Tiên. Trong khi đó Trung Quốc đáp lại là đã làm hết sức mình. 
Chuyên gia John Nilsson Wright thuộc Văn phòng Tư vấn chính trị tại London - Anh, khẳng định cuối cùng Bình Nhưỡng đã tích góp được chút vốn liếng ngoại giao trên những chia rẽ của cộng đồng quốc tế và điều này đã và sẽ được thấy rõ ở nhiều kỳ họp Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) khi mà Mỹ luôn đề nghị hành động mạnh, còn Nga và Trung Quốc thì khuyên can kiềm chế. Mới nhất, hôm 5-7 vừa qua, tại HĐBA, Mỹ được sự ủng hộ của Pháp cho biết sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết đề nghị gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng trong những ngày tới. Tuy nhiên, Nga phản đối các trừng phạt mới và không chấp nhận biện pháp quân sự.

Tin cùng chuyên mục