Triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nhiều vấn đề. Trong đó, quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng là triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Một góc bán đảo Sơn Trà
Một góc bán đảo Sơn Trà

Thanh tra Dự án bán đảo Sơn Trà: Báo cáo Thủ tướng trước ngày 31-3

Trả lời chất vấn của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) về việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm của các tổ chức tín dụng và việc thanh tra Dự án bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng khẳng định, để xảy ra các sai phạm, vụ việc nổi cộm trong ngành ngân hàng trước hết thuộc về các cá nhân, tập thể sai phạm, người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra vụ việc sai phạm. Đặc biệt là các cổ đông, nhóm cổ đông cố tình lách quy định về giới hạn sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối ngân hàng. Những cá nhân này đã bị tòa án đưa ra xét xử và tuyên án với các mức án nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát. Tại các báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thẳng thắn thừa nhận công tác quản lý, thanh tra, giám sát còn những tồn tại, hạn chế do khuôn khổ pháp lý; cơ chế về thanh tra, giám sát và chính sách an toàn hoạt động ngân hàng chậm đổi mới để phù hợp thực tiễn. Năng lực, chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát chưa cao, một số trường hợp chưa kịp thời phát hiện các rủi ro trọng yếu, vi phạm hoạt động của một số ngân hàng. Đồng thời, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, còn có một số cán bộ đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm, để xảy ra một số vi phạm…

Về thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, Thủ tướng dẫn lại quá trình xử lý thời gian qua và cho biết, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ (TN-MT, NN-PTNT, Xây dựng),  cơ quan liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng, xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-3-2018.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chất vấn về việc cần phải từng bước loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại” - một vấn đề tưởng nhỏ nhặt nhưng lại có sức gặm nhấm, phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật và làm hư hỏng bộ máy công chức, là nguyên nhân tệ nạn hối lộ và tham nhũng vặt.

Trả lời, Thủ tướng nhìn nhận, “phạt cho tồn tại” là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải… Tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu vẫn do nguyên nhân chủ quan, trong đó không loại trừ nguyên nhân liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức.

Thủ tướng nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, liêm chính và hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân thì phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ mọi biểu hiện phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật, làm hư hỏng bộ máy công chức, nhất là những điều kiện làm nảy sinh tệ nạn hối lộ, tham nhũng. Trong đó, nhất thiết phải từng bước loại bỏ tình trạng không xử lý nghiêm các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật mà “phạt cho tồn tại” là một biểu hiện.

Kiên quyết thay thế những người tín nhiệm thấp

Thủ tướng cũng trả lời chất vấn của ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế và cải cách bộ máy hành chính.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã đẩy mạnh tinh giản biên chế, tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, đã tinh giản được trên 30.000 người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm…

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tổ chức tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp, trình Trung ương...

Trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về vấn đề phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo yêu cầu của Luật Quy hoạch. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng; đầu tư, hoàn chỉnh một số công trình quy mô lớn, tác động toàn vùng, như sớm đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, hoàn thành luồng tàu vận tải lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố). Hoàn chỉnh đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc và Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để thông qua tại kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV, tạo cơ sở pháp lý phát triển đảo Phú Quốc và trở thành động lực phát triển mới của ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục