Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được FTSE Russell - một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu chính thức đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging). 
Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam

Thông tin tích cực này được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mang lại triển vọng mới cho thị trường trong thời gian tới.

Kỳ vọng dòng vốn ngoại

Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) khẳng định, sự công nhận của tổ chức uy tín thế giới FTSE Russell sẽ góp phần thay đổi vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường.

“Đây là thông tin tích cực đối với TTCK, mặc dù để được nâng hạng chính thức thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Sẽ chưa có việc phân bổ dòng vốn một cách chính thức của các quỹ đầu tư hoạt động trên cơ sở chỉ số FTSE Emerging, nhưng TTCK sẽ được quan tâm hơn, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường sẽ được đưa vào tầm ngắm và sẽ xuất hiện dòng vốn đón đầu trước khi được nâng hạng chính thức” - ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị HOSE cho biết.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng, TTCK sẽ hút dòng tiền nóng từ quỹ ETF nhưng Việt Nam phải cần ít nhất 12 tháng để được chính thức nâng hạng. Thị trường nâng hạng sẽ ảnh hưởng ngắn hạn đến hoạt động mua đón đầu cơ cấu danh mục của các quỹ ETF mua theo chỉ số, tạo động lực để cơ quan quản lý tiếp tục cải cách, nâng cấp thị trường và ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư.

Về việc thu hút vốn khi được nâng hạng, vị này nhận định, khi Việt Nam lọt vào danh mục thị trường mới nổi, nếu với tỷ trọng bình quân 1% thì riêng các quỹ ETF sẽ phân bổ lại tỷ trọng mua vào ở thị trường Việt Nam khoảng 1,6 tỷ USD. Theo giả định này thì khi Việt Nam vào danh mục thị trường mới nổi sơ cấp của FTSE thì các ETFs sẽ mua vào 677 triệu USD. Điều này đồng nghĩa TTCK sẽ thu hút được một lượng tiền nóng từ các quỹ ETF trong khoảng thời gian trước và sau khi được chính thức xếp hạng.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) lại cho rằng, còn quá sớm để ước tính một con số chính xác về dòng vốn được thu hút vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng. Bởi tỷ trọng của từng quốc gia và số cổ phiếu được đưa vào danh mục sẽ phụ thuộc lớn vào giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản tại thời điểm Việt Nam được đưa vào rổ chỉ số. Bên cạnh đó, quy mô dòng vốn chủ động chảy vào thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào độ hấp dẫn của TTCK Việt Nam và các thị trường mới nổi tại thời điểm vào rổ.

Sẽ quay lại đỉnh cũ?

Nhận định về TTCK từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vừa nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2018 và vẫn giữ ý định nâng thêm một lần nữa vào tháng 12 năm nay sẽ tác động mạnh đến kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, động thái này của FED sẽ tác động đến TTCK. Bởi lẽ, khi USD tăng giá, thông thường dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển từ chỗ lãi suất thấp sang chỗ có lãi suất cao hơn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn. Một ảnh hưởng nữa với thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam là thanh khoản thị trường trở nên căng thẳng hơn vì dòng tiền sẽ tìm đến các nơi an toàn hơn.

Theo lãnh đạo Công ty Chứng khoán dầu khí (PSI), TTCK hiện đang trong xu hướng tích cực nhưng dòng tiền cần mang tính chất bền vững để vượt qua được vùng kháng cự tiếp theo. Khi dòng tiền vào thị trường đủ, VN-Index đi qua được vùng 1.030 điểm sẽ tới vùng 1.080 điểm và tiến tới 1.100 điểm.

Trong khi đó, ông Hoàng Huy - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ quay về đỉnh cũ ở mức 1.200 điểm trong những tháng cuối năm mặc dù dòng tiền còn yếu và rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện hữu. Các yếu tố dẫn đến nhận định lạc quan trên theo ông Huy là đợt TTCK điều chỉnh giảm gần 25% thời gian qua đã khiến chỉ số P/E (thị giá thu nhập trên mỗi cổ phần) toàn thị trường đang ở mức 17 lần, tương đương với các chỉ số chứng khoán trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Nếu loại trừ những mã vốn hóa lớn như VIC, VHM và VRE, VN-Index đang có mức P/E khoảng 14,3 lần - mức khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

“Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, động lực tăng điểm của thị trường sẽ đến từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khả quan hơn, dòng tiền margin (vay giao dịch ký quỹ) có dấu hiệu quay trở lại. Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô như tốc độ tăng trưởng khả quan, cán cân thương mại xuất siêu... sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường tăng điểm nhiều hơn là rủi ro” - ông Huy phân tích.

VN-Index đang ở mức 1.020,4 điểm khi đóng cửa phiên ngày 3-10, giảm hơn 25% sau khi đạt đỉnh ở mức 1.211 điểm vào tháng 4-2018 là có lực đỡ từ dòng tiền khối ngoại khi khối này quay lại mua ròng từ tháng 8 đến nay, sau khi đã bán ròng rất mạnh trong quý 2-2018 do ảnh hưởng từ dòng vốn toàn cầu dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tin cùng chuyên mục