Triển vọng sáng sủa của kinh tế Triều Tiên

Người Triều Tiên vốn cần cù. Đất nước Triều Tiên dù đang trong thời kỳ cấm vận, song triển vọng kinh tế của nước này cũng được đánh giá rất cao, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi con đường từ bỏ vũ khí hạt nhân để tập trung phát triển kinh tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một cánh đồng trồng lúa và hoa màu Ảnh: KCNA/REUTERS
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một cánh đồng trồng lúa và hoa màu Ảnh: KCNA/REUTERS

Triều Tiên đã đổi mới

Mới đây, tập đoàn điện tử Samsung cho biết, họ đang có kế hoạch dời nhà máy sản xuất điện thoại tới Triều Tiên. Nhiều tập đoàn của Nga, Trung Quốc và phương Tây cũng đang chuẩn bị đầu tư vào nước này ngay sau khi Liên hiệp quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận Triều Tiên. 

Tờ Korea Times dẫn lời Cố vấn đặc biệt về chính sách đối ngoại và an ninh của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Moon Chung-in cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cố gắng vượt qua tình trạng cấm vận bằng cách mở cánh cửa ra thế giới bên ngoài thông qua tiến trình phi hạt nhân hóa. Từng tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng dự Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 9, ông Moon Chung-in nói: “Bình Nhưỡng trông khá sống động và tôi đã có ấn tượng rằng nền kinh tế của họ đã điều chỉnh để thích nghi với lệnh cấm vận quốc tế”. Ông Moon từng đến thăm Bình Nhưỡng 2 lần vào những năm 2000, khi đó các cửa hàng chủ yếu bán hàng hóa Trung Quốc, nhưng giờ đây, các cửa hàng bán nhiều hàng hóa của chính Triều Tiên. Theo ông Moon, các lệnh trừng phạt cho thấy áp lực bên ngoài hầu như không còn ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của xã hội Triều Tiên.

Theo báo Business Times của Singapore, dưới sự lãnh  đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tư nhân ngày càng đóng góp nhiều vào nền kinh tế Triều Tiên. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Kim Jong-un sẽ thực hiện cải cách khu vực tài chính để tư nhân hóa các công ty nhà nước lớn và trong tương lai sẽ thành lập thị trường chứng khoán. Tỷ trọng của khu vực tư nhân hiện được ước tính chiếm khoảng 30% - 50% GDP của Triều Tiên, trong khi GDP tăng khoảng 2% - 4%/năm trong vài năm qua. Nghiên cứu của các nhà kinh tế Hàn Quốc gần đây kết luận rằng, khoảng 70% dân số trưởng thành của Triều Tiên đang tham gia vào các hoạt động thị trường với nhiều mặt hàng từ xe hơi, điện thoại thông minh đến xe đạp điện và tivi màn hình phẳng.

Nhà phân tích Andrei Lankov của Nga, thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng ngày càng xuất hiện nhiều doanh nhân giàu có mới nổi (nhiều người trong số họ là phụ nữ) tại Bình Nhưỡng cũng như các thành phố lớn khác của Triều Tiên. Họ chiếm đa số lượng khách tại các nhà hàng sang trọng có giá từ 15 - 25 USD/suất ăn và những nơi này luôn đông đúc. Theo ông Lankov, giá bất động sản cũng đang tăng vọt tại Bình Nhưỡng, gấp 10 lần trong 10 năm qua. Một căn hộ tốt ở Bình Nhưỡng có giá khoảng 100.000 USD, có khi lên đến 200.000 USD. Ấn tượng nhất trong chính sách của ông Kim Jong-un là những cải tiến trong nông nghiệp. Triều Tiên đã có vụ mùa thu hoạch phá kỷ lục trong năm 2017, đưa nước này gần như tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực. Mặc dù đất đai thuộc sở hữu nhà nước nhưng người nông dân được canh tác cho các hộ gia đình và cá nhân, được lấy phần thu hoạch 30% - 70%.  

Bình Nhưỡng đang theo mô hình kinh tế Trung Quốc nhưng từ lâu đã nghiên cứu các hệ thống kinh tế phương Tây. Từ năm 2002 - 2009, Viện Nghiên cứu Nhật Bản tại Trường Kinh tế Stockholm đã tổ chức hội thảo cho các nhà hoạch định chính sách và học giả của Triều Tiên, cung cấp bài giảng về hiện đại hóa kinh tế, kế toán, quản lý và thương mại quốc tế. Nhiều đoàn đại biểu của Liên minh châu Âu (EU) đã đến thăm Triều Tiên vào năm 2004, 2005 và 2007 và tổ chức hội thảo về hợp tác kinh tế. 

Hàn Quốc hưởng lợi trước tiên

Theo Yonhap, cứ 10 công ty liên doanh Hàn Quốc có hoạt động ở nước ngoài thì 6 công ty sẵn sàng đầu tư vào Triều Tiên nếu hợp tác kinh tế liên Triều được khôi phục. Đây là kết quả cuộc thăm dò ý kiến được Tập đoàn kinh doanh vừa và nhỏ (SMBC) Hàn Quốc tiến hành đối với 267 công ty liên doanh của nước này và được công bố ngày 23-10. Trong cuộc thăm dò, hơn 60% công ty liên doanh Hàn Quốc phản ứng tích cực với khả năng đầu tư vào Triều Tiên. Cụ thể, khi được hỏi về sự sẵn sàng đầu tư vào Triều Tiên khi hợp tác kinh tế xuyên biên giới được khởi động lại, có tới 37,8% cho biết, họ sẽ xem xét làm ăn với Triều Tiên nếu đáp ứng các điều kiện phù hợp và 22,8% nói rằng, họ có dự định đầu tư vào Triều Tiên. Tổng cộng, 60,6% số người được hỏi đã đưa ra câu trả lời tích cực.

Khi được hỏi về lý do họ sẵn lòng thâm nhập thị trường Triều Tiên, 30,8% viện dẫn chi phí lao động giảm, trong khi 26,6% cho biết, họ đang nhắm đến thị trường nội địa của Triều Tiên. Khoảng 32% cho biết, họ quan tâm đến thủ đô Bình Nhưỡng như là điểm đến đầu tư, 30% bày tỏ sự quan tâm đến Khu công nghiệp Kaesong.

Vào tháng 8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề xuất một gói kinh tế với Triều Tiên bao gồm các khu kinh tế chung, đường sắt và đường cao tốc trên biên giới chung, đổi lại, miền Bắc sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Moon Jae-in tin rằng, mạng lưới đường sắt sẽ giúp xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, Nga và châu Âu dễ dàng hơn. Trong năm nay, các tuyến đường cao tốc và đường sắt sẽ được khởi công. Khi căng thẳng đã giảm bớt, ông Moon Jae-in cũng đề xuất thành lập “các khu kinh tế thống nhất đặc biệt” dọc biên giới. Vào tháng 7 năm nay, một ủy ban do Tổng thống Moon Jae-in thiết lập đã đến thăm khu kinh tế đặc biệt Rason, được thành lập vào năm 1992 ở cực Bắc của Triều Tiên. Động thái được xem là để phục vụ cho các công ty Hàn Quốc tìm cách khai thác nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào của Triều Tiên.  

Hiện tại, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Lotte, Hyundai, Hyosung và KT Corporation đã lập những nhóm chuyên gia để tìm hiểu khả năng lập liên doanh với Triều Tiên. Nhưng có lẽ, du lịch là ngành kinh tế đầu tiên mà nhiều công ty của Hàn Quốc có triển vọng sẽ làm ăn sớm với Triều Tiên. Theo Yonhap, công ty Sunwoo Airlines Travel Agency cho biết, họ đã có được hợp đồng ủy quyền độc quyền với Bình Nhưỡng về việc bán các gói du lịch Triều Tiên cho người nước ngoài sống ở Hàn Quốc, hoặc muốn thăm miền Bắc từ miền Nam. Sunwoo sẽ bán các sản phẩm du lịch Triều Tiên cho bất kỳ ai, trừ người Hàn Quốc, Trung Quốc và người Mỹ, những người hiện đang bị cấm thăm Triều Tiên theo lệnh cấm vận của Mỹ.

M & PG Korea gần đây đã liên lạc với các quan chức Triều Tiên, thay mặt cho Sunwoo, cho biết công ty du lịch Seoul đã giành được hợp đồng độc quyền từ một công ty du lịch Trung Quốc ở tỉnh Liêu Ninh. Sunwoo bắt đầu bán các chương trình du lịch Triều Tiên trong tháng 10 thông qua quan hệ đối tác với khoảng 10 nhà điều hành tour du lịch tại Busan, Daegu, Gwangju và các thành phố khác của Hàn Quốc.  Chuyến đi bắt đầu tại các sân bay ở Seoul và Busan đến thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, sau đó sang Triều Tiên. Khoảng thời gian tham quan Triều Tiên sẽ dao động 5 - 9 ngày. 

Tin cùng chuyên mục