Triển khai xây dựng luật, pháp lệnh đến năm 2020

Ngày 18-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã phối hợp với Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020. 
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, trình bày báo cáo triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại kỳ họp thứ 8 tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2020), Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến về 2 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự kiến sẽ được điều chỉnh, bổ sung các dự án khác theo yêu cầu của Trung ương, như dự án Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026; các dự án đã có chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, hoặc Chính phủ đã có đề xuất bổ sung vào chương trình, nhưng đến nay vẫn chưa có đầy đủ hồ sơ.

“Số lượng các dự án trình Quốc hội, UBTVQH từ nay tới cuối năm 2019 là rất lớn, trong đó có nhiều cơ quan phải phụ trách đồng thời 2 - 3, thậm chí tới 4 dự án. Để có thể bảo đảm khối lượng lớn các công việc, yêu cầu đặt ra là Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức khác có liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm thực hiện mới hoàn thành được chương trình đề ra”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Sau khi nghe các báo cáo của lãnh đạo các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chủ động cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao. Các cơ quan, tổ chức cũng cần phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa để phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm tốt, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật.

Tin cùng chuyên mục