Triển khai mua bán điện mặt trời

Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 24-4-2019, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) bắt đầu tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà với khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh việc triển khai ký kết hợp đồng, ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều. 

Công ty Điện lực Sài Gòn ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN với khách hàng

- PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói rõ về thẩm quyền ký kết hợp đồng mua bán điện và phương án đấu nối dự án ĐMTMN vào lưới điện? 

>> Ông NGUYỄN DUY QUỐC VIỆT: EVNHCMC đã ủy quyền cho các công ty điện lực trực thuộc ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN với khách hàng. Các công ty điện lực có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát công suất lắp đặt của các dự án ĐMTMN đấu nối vào lưới điện nhằm tránh tình trạng gây quá tải đường dây, máy biến áp phân phối. 

Đối với phương án đấu nối: Đấu nối vào lưới hạ áp (đo đếm hạ áp) thì dự án có công suất lắp đặt ≥ 3kWp và nhỏ hơn công suất định mức của đường dây, máy biến áp phân phối hạ áp đấu nối vào lưới điện hạ áp bằng 3 pha. Nếu chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện đang đấu nối vào lưới điện hạ áp bằng 1 pha, cho phép dự án có công suất lắp đặt ≥ 3kWp đấu nối vào lưới điện bằng 1 pha nếu lưới điện vẫn đảm bảo điều kiện vận hành an toàn, ổn định.

Đấu nối vào lưới trung áp (đo đếm trung áp): Trình tự, thủ tục thỏa thuận đấu nối dự án ĐMTMN vào lưới điện trung áp thực hiện theo quy định từ Điều 43 đến Điều 51 của Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18-11-2015 của Bộ Công thương quy định hệ thống điện phân phối, chỉ thực hiện đối với các khách hàng chưa có máy biến áp trung thế hiện hữu.

- Thủ tục gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ dự án và công tác lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều cho dự án ĐMTMN triển khai thế nào, thưa ông? 

Sau khi hoàn thành lắp đặt dự án, chủ đầu tư gửi một bộ hồ sơ đề nghị bán điện cho công ty điện lực (hồ sơ do công ty điện lực cung cấp). Trong vòng 1 ngày kể từ sau khi tiếp nhận giấy đề nghị bán điện từ dự án ĐMTMN của chủ đầu tư, công ty điện lực phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án. 

Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra thông số kỹ thuật, nếu đạt sẽ tiến hành lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư trong vòng 2 ngày. Các dự án ĐMTMN đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nối lưới theo quy định sẽ được lắp đặt công tơ 2 chiều. Cụ thể như sau:

+ Đối với chủ đầu tư đã có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án, đơn vị thay thế công tơ đo đếm 1 chiều hiện hữu bằng công tơ đo đếm 2 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án với chủ đầu tư. Trường hợp phải chuyển đổi điểm đấu nối với lưới điện hạ áp từ 1 pha sang 3 pha để đấu nối dự án ĐMTMN, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn sau công tơ, ngành điện chịu trách nhiệm nâng cấp dây dẫn từ công tơ đến điểm đấu nối và công suất của công tơ.

+ Đối với chủ đầu tư chưa có hợp đồng mua điện tại địa điểm lắp đặt dự án (khách hàng đề nghị cấp điện mới), đơn vị lắp đặt công tơ đo đếm 2 chiều và ký hợp đồng mua điện từ dự án của chủ đầu tư đồng thời với hợp đồng bán điện cho chủ đầu tư sử dụng tại địa điểm lắp đặt dự án.

- Việc thanh toán tiền điện mua từ ĐMTMN được thực hiện như thế nào?

Tiền điện thanh toán bằng đồng Việt Nam được xác định cho từng năm và được tính đến hàng đơn vị đồng (không làm tròn số). Hình thức thanh toán là chuyển khoản. Phí chuyển khoản do chủ đầu tư chịu (theo quy định tại Thông tư 05/2019/TT-BCT ngày 11-3-2019 của Bộ Công thương).

Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, hàng tháng các công ty điện lực nhận hóa đơn và thanh toán tiền điện theo hóa đơn do chủ đầu tư phát hành theo quy định. Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn, hàng tháng, đội thu ghi tại công ty điện lực thực hiện lập bảng kê thanh toán tiền điện để thanh toán tiền điện cho chủ đầu tư (tiền thanh toán không bao gồm thuế GTGT). Đối với chủ đầu tư là hộ gia đình, cá nhân không phát hành hóa đơn, cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án ĐMTMN có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng áp dụng tỷ lệ thuế GTGT trên doanh thu quy định đối với hoạt động sản xuất theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Cụ thể, tỷ lệ thuế GTGT áp dụng là 2%. Cuối năm, EVNHCMC sẽ thực hiện quyết toán, kê khai thuế.

Cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án ĐMTMN có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì doanh thu bán điện thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Về giá mua điện, trước ngày 1-1-2018, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT) là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10-4-2017 là 22.316 đồng/USD).

Từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2018, giá mua điện (chưa bao gồm VAT) 2.096 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31-12-2017 là 22.425 đồng/USD).

Từ ngày 1-1-2019 đến 31-12-2019, giá mua điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) 2.134 đồng/kWh (tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31-12-2018 là 22.825 đồng/USD).

Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm VAT) được xác định theo từng năm và được tính bằng tiền Việt Nam đồng tương đương với 9,35 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.

Tin cùng chuyên mục