Triển khai JCM - Lợi cả đôi đường

Trong khối tòa nhà, bệnh viện được nhiều nhà khoa học đánh giá là đối tượng có tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) nhiều nhất.
Mô hình “Bệnh viện xanh” được đánh giá không chỉ giúp TKNL triệt để, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường mà còn giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Triển khai JCM - Lợi cả đôi đường ảnh 1 Ảnh minh họa
Chính vì vậy, Việt Nam đã đề xuất ý tưởng cải tạo, thay thế thiết bị mới cho các bệnh viện. Dự án này đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành từ phía Nhật Bản. Theo đó hai bên đã ký kết hợp tác về “Tăng trưởng cacbon thấp”, trong đó cam kết thiết lập “Cơ chế tín chỉ chung - JCM”. JCM là cơ chế giảm phát thải cacbon được đề xuất bởi Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc hợp tác song phương với các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính, thông qua việc chuyển giao công nghệ sạch và tiên tiến từ Nhật Bản. 
Trong khuôn khổ chương trình, hai bên đã thống nhất bước đầu triển khai dự án “Thúc đẩy xây dựng bệnh viện xanh” tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) với mục tiêu góp phần tăng trưởng cacbon thấp, thông qua việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đây chính là cơ hội cho các bệnh viện tại Việt Nam quyết định đầu tư, đổi mới, lựa chọn công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng phục vụ cho hoạt động của bệnh viện; từ đó tạo điều kiện nâng cao chất lượng sức khỏe người dân. Sau một thời gian triển khai, cả 2 bệnh viện trên đã báo cáo những kết quả rất khả quan.
Cụ thể, bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết với việc đầu tư thay mới 492 máy điều hòa không khí hiệu suất cao có lắp biến tần, 2 tủ hệ thống quản lý năng lượng và 10 bộ thông gió tận dụng nhiệt thải, dự án đã giúp bệnh viện tiết kiệm được 498.715kWh, tương đương hơn 740 triệu đồng/năm và giảm phát thải 310 tấn CO2/năm. Tương tự, Bệnh viện Việt Đức tiết kiệm đến 830.261kWh, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm và giảm phát thải 518 tấn CO2/năm khi đầu tư 526 máy điều hòa không khí, 8 tủ hệ thống quản lý năng lượng, 6 bộ thông gió tận dụng nhiệt thải và 6 bộ quạt đảo gió.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, bằng việc thay đổi, cải tạo hệ thống sử dụng năng lượng lớn nhất của bệnh viện là hệ thống lạnh đã giúp lọc CO2, kiểm soát hoạt động của điều hòa không khí, từ đó làm tăng chất lượng không khí trong các phòng bệnh, giúp không khí phòng bệnh trong lành hơn. Đây là giá trị lớn nhất mà dự án mang lại cho cộng đồng bên cạnh hiệu quả về sử dụng năng lượng của bệnh viện.  
Tuy nhiên, nhiều khối tòa nhà, trong đó có bệnh viện,  vẫn còn lo ngại khi áp dụng các giải pháp TKNL luôn đòi hỏi mức vốn cao do phải thay đổi công nghệ. Đây cũng chính là lý do họ chưa mặn mà với việc đầu tư TKNL. Thế nhưng, triển khai theo mô hình “Bệnh viện xanh”, các bệnh viện sẽ không phải lo về phần vốn đầu tư do toàn bộ dự án được triển khai theo JCM. Theo đó, bệnh viện sẽ không phải bỏ tất cả vốn để đầu tư dự án mà sẽ được tài trợ phần lớn nguồn vốn từ phía Nhật Bản. Phần vốn đầu tư này sẽ được chi trả lại cho đơn vị đầu tư sau khi dự án kết thúc bằng một phần số tiền thu được từ hiệu quả TKNL.

Tin cùng chuyên mục